Những ngày đầu năm Ất Mùi, không khí làm việc tại một số làng nghề truyền thống Phú Yên rất nhộn nhịp, tấp nập. Theo những người dân làng nghề, việc trang bị máy móc hiện đại đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Tại làng nghề chiếu cói Phú Tân 1 (xã An Cư, huyện Tuy An), người dân đang hối hả chuẩn bị vào vụ mới sau một thời gian “ngủ đông” vì không có nắng phơi cói. Khoảng 5 năm trước, dù làm việc hoàn toàn thủ công, thu nhập thấp nhưng người dân nơi đây vẫn cố gắng “sống chết” bám nghề. Chiếu cói truyền thống chất lượng thấp, khó cạnh tranh nên làng nghề nhiều phen chật vật vì không tìm được đầu ra. Cuối năm 2010, một hộ dân trong làng mua 2 máy dệt chiếu về thử nghiệm. Kết quả, chiếu dệt bằng máy nhanh hơn làm tay từ 8 đến 10 lần; chất lượng lại chắc, đẹp, bền và dễ tiêu thụ hơn chiếu dệt thủ công. Thấy hiệu quả, một số hộ dân khác cũng mạnh dạn đầu tư máy dệt chiếu. Đến nay, cả làng nghề có 1 tổ hợp tác và 2 cơ sở chiếu cói sử dụng máy móc trong quy trình dệt chiếu với 24 máy dệt chiếu, 7 máy may biên, 1 máy thêu. Nghề dệt chiếu ở đây dần trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho một số hộ dân. Hiện chiếu dệt tay có giá 110.000 đến 120.000 đồng/cặp thì chiếu dệt máy từ 260.000 đến 290.000 đồng cặp. Đặc biệt, giá chiếu dệt máy có thêu hoa tăng thêm 60.000 đến 80.000 đồng/cặp. Không chỉ nâng cao về giá trị, các sản phẩm chiếu dệt máy, chiếu thêu hoa của làng nghề còn được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra của chiếu cói Phú Tân ngày càng rộng mở. Chị Nguyễn Thị Linh, chủ một cơ sở dệt chiếu máy, chia sẻ: “Đầu tư máy móc hiện đại vào làng nghề dệt chiếu thực sự đã giúp làng nghề “hồi sinh”. Hiện nay, chiếu cói Phú Tân đã được nâng cao cả về sản lượng, chất lượng và giá trị nên đời sống người dân làng nghề cũng đỡ vất vả hơn trước”.
Còn tại làng nghề làm bún Định Thành (xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa), hiện nay không còn cảnh người dân tất bật thức khuya dậy sớm để cho ra kịp những mẻ bún bán buổi sớm mai. Thay vào đó, mỗi sáng, hàng chục hộ dân tập trung tại các gia đình có máy làm bún ở thôn Định Thành để làm bún. Chỉ chừng 30 phút, máy làm bún đã thay con người làm tất cả các khâu để cho ra những sợi bún thơm ngon, chất lượng. Bà Nguyễn Thị Thắm, một người dân làng nghề, cho biết: “Trước kia, để làm được một mẻ bún phải mất nửa ngày, với nhiều công đoạn như làm sạch gạo, ngâm nước, xay, ủ bột, chắt nước chua, nén, trộn và đưa vào khuôn thành sợi rồi luộc chín, làm sạch, vắt bún thành lọn… Công việc vất vả, đầu tắt mặt tối từ ngày này sang ngày khác. Từ ngày có máy làm bún, người dân làng nghề đỡ vất vả rất nhiều, lại có thời gian làm những công việc khác nên đời sống cũng khấm khá hơn”. Hiện làng nghề làm bún Định Thành có 2 máy làm bún, công suất 60 tấn bún tươi/tháng, đáp ứng nhu cầu của tất cả các hộ sản xuất của làng nghề làm bún Định Thành.
Tại làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), người dân làm bánh quanh năm để cung cấp bánh cho cả tỉnh. Bánh tráng không chỉ là một món ăn có mặt ở mọi nhà mà còn là quà tặng, biếu dịp tết, sau tết nên làng nghề bánh tráng phải tăng gấp đôi, gấp ba công suất làm việc. Hiện làng nghề bánh tráng Hòa Đa có khoảng 10 hộ gia đình đầu tư máy làm bánh tráng. Nếu chạy liên tục, máy tráng bánh có thể làm gấp đôi, gấp ba công suất so với làm tay. Bánh tráng bằng máy có độ đều, dẻo dai hơn bánh tráng bằng tay. Những ngày trời mưa thì lò hơi cũng là một “công cụ” hiệu quả để sấy bánh mà không cần chờ nắng trời. Hiện hơn 70% người dân làng nghề bánh tráng Hòa Đa đã đầu tư lò hơi để phơi sấy bánh. Ông Nguyễn Văn Hai, chủ một cơ sở bánh tráng ở Hòa Đa, cho biết: “Trước kia, mỗi khi vào mùa mưa là cả làng nghề phải nghỉ làm. Một số hộ tráng bánh rồi sưởi bằng lửa thì lại bị chê vì bánh có mùi khói. Từ khi có máy làm bánh và lò hơi, mọi vấn đề đã được giải quyết, năng suất và chất lượng bánh của làng nghề bánh tráng Hòa Đa ngày càng được nâng cao”.
Nhờ mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, một số làng nghề truyền thống của Phú Yên đang dần khẳng định chất lượng, thương hiệu của mình. Một số sản phẩm đã “vào” các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị… và được khách hàng nhiều nơi biết đến.
Theo ông Lê Thanh Khanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), hàng năm, ngành Công thương vẫn hỗ trợ các cơ sở, làng nghề truyền thống đầu tư máy móc thiết bị, hiện đại hóa sản xuất cũng như đổi mới bao bì, nhãn mác sản phẩm. Nhờ vậy, một số làng nghề đã được cải tiến về chất lượng, sản lượng, mẫu mã và đời sống người dân cũng được cải thiện đáng kể. Đây cũng là hoạt động thường xuyên của trung tâm trong thời gian tới để từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện đời sống người dân ở các làng nghề.
XUÂN NGÔ