Gần 1 tháng nay, trứng gia cầm liên tục rớt giá, thu không đủ chi, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều hộ đã chọn cách giảm, thải đàn.
GIÁ GIẢM, KHÓ TIÊU THỤ
Theo nhiều hộ chăn nuôi, từ Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay giá trứng vịt trên thị trường liên tục giảm, hiện chỉ còn 18.000 đồng/chục (10 trứng), giảm 6.000 đồng so với trước tết. Bà Trần Thị Nhị ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho hay: Với giá trứng như hiện nay thì người nuôi vịt đẻ lỗ vốn. Theo bà Nhị, bình quân mỗi ngày 1.000 con vịt đẻ ăn hết 4 bao cám với giá hơn 1,6 triệu đồng, nhưng chỉ đẻ từ 750 đến 800 trứng, bán khoảng 1,4 triệu đồng, lỗ 200.000 đồng. Đó là chưa kể ngày công lao động và các chi phí thuốc phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại…
Tương tự ông Trần Văn Tuân ở cùng xã với bà Nhị cho biết: Để gầy được đàn vịt đẻ 2.000 con vào kỳ sản xuất thì gia đình tôi phải đầu tư gần 200 triệu đồng (bình quân 100.000 đồng/con). Nhưng gần tháng nay, sau mỗi đêm tôi phải chịu lỗ thêm 450.000 đồng để nuôi đàn vịt này. Nếu giá trứng tiếp tục giảm, có lẽ tôi vỡ nợ.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn khốn đốn khi vốn đầu tư cho đàn vịt đã cạn, phải lấy cám từ các lò trứng để tiếp tục nuôi đàn vịt, sau đó bán trứng lại cho các chủ lò với giá thấp hơn giá thị trường. Ông T.V.Đ ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) cho hay: Gần tháng nay, gia đình tôi đã lỗ hơn chục triệu đồng để duy trì đàn vịt đẻ. Hiện tôi phải ứng cám từ lò trứng nên khi bán trứng để trừ nợ chỉ bán được với giá 16.500 đồng/chục, thấp hơn thị trường 1.500 đồng. Mỗi ngày tôi bán cho lò hơn 1.400 trứng, thất thu 210.000 đồng.
Chung tình cảnh với trứng vịt, giá trứng gà cũng “lao dốc” trong suốt tháng qua. Hiện trứng gà được các đầu nậu mua với giá 12.000 đồng/chục. Ông Ba Khang, chủ trang trại gà sạch Đồng Lợi (huyện Phú Hòa) cho hay: Hiện mỗi ngày đàn gà của ông đẻ khoảng 40.000 trứng, cộng các khoản chi phí khác thì mỗi trứng có giá thành sản xuất 1.600 đồng. Thế nhưng giá trứng bán ra chỉ 1.200 đồng. Bình quân mỗi ngày trang trại gà của gia đình lỗ hơn 10 triệu đồng.
Đối với trứng cút, ông Lê Kim Thịnh ở xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) có nhiều năm nuôi cút, cho biết: Hiện trứng cút chỉ còn 26.000 đồng/100 trứng, trong khi giá thành sản xuất lên đến 35.000 đồng. Trước đây, cứ mỗi ngày thương lái tìm đến các hộ nuôi cút để mua trứng, nay phải đến 3, 4 ngày họ mới đến mua, nhưng số lượng cũng rất dè chừng.
ĐÀNH GIẢM ĐÀN
Để “cắt” lỗ, nhiều người đang phải giảm hoặc thải đàn gia cầm. Bà Huỳnh Thị Định ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết: Gia đình tôi nuôi vịt đẻ hơn 20 năm nay, nhưng nay không thể nào cầm cự được nữa, khi mà giá trứng giảm mạnh như hiện nay. Để cắt lỗ, vừa rồi tôi đã bán đàn vịt đẻ và chuyển sang nuôi vịt để lấy thịt. Tương tự, ông Bốn Xuân ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) cũng đã thải một số con vịt ít đẻ và giảm đàn với hy vọng trong thời gian tới giá trứng sẽ tăng. Hiện tại, đàn vịt của ông Xuân có khoảng 3.000 con, trong đó 1.500 con vịt đẻ. “Thay vì cho ăn cám công nghiệp như trước, nay tôi phải trộn cám lúa cho đàn vịt ăn để giảm chi phí”, ông Xuân nói.
Trại gà Đồng Lợi đã giảm đàn còn 40.000 con gà đẻ (giảm gần 20.000 con so với trước tết). Trại cút ông Lê Kim Thịnh giảm còn 6.500 con, thay vì nuôi 10.000 con như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, nhận định: Nguyên nhân giá trứng giảm là do nguồn cung trên thị trường dồi dào, nhất là các tỉnh lân cận như Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa... Một khi lượng trứng gia cầm ở các tỉnh lân cận dồi dào thì trứng gia cầm của người nuôi trong tỉnh chỉ có thể tiêu thụ nội tỉnh, nên dẫn đến tình trạng “dội” chợ. “Trong tình hình khó khăn như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi thường lơ là trong công tác phòng dịch, dẫn đến nguy cơ gia cầm bị nhiễm bệnh là rất cao. Ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh để đàn vật nuôi phát triển tốt, tránh thiệt hại nặng hơn nếu xảy ra dịch”, ông Lâm nói.
THỦY TIÊN