Thứ Tư, 27/11/2024 08:48 SA
Xuân Hải (Sông Cầu):
Làng biển nay khác rồi
Thứ Hai, 28/05/2007 14:00 CH

Xuân Hải (huyện Sông Cầu) là xã cực bắc của Phú Yên. Trước đây, xã hai lần được công nhận là xã miền núi, nằm tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi có KCN Đông Bắc Sông Cầu, có cầu bê tông bắc qua đầm Cù Mông, cuộc sống ở Xuân Hải có nhiều chuyển biến tích cực.

 

070528-CAU-XH.jpg

Cây cầu bê tông bắc qua đầm Cù Mông, không chỉ giúp Xuân Hải không còn là mảnh đất biệt lập, mà còn mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội cả Xuân Hải lẫn Xuân Bình – Ảnh: L.KHA

 

DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN

 

Đêm Xuân Hải đèn điện sáng choang, nhiều loại hình dịch vụ hoạt động tấp nập, có cả điểm dịch vụ Internet thường xuyên có nhiều người truy cập. Nhìn “dãy phố” nằm sát mép biển giữa lồng lộng của gió, vị mặn mòi của biển, khó có thể nghĩ cách đây không lâu, làng biển này bị tách biệt hẳn với bên ngoài.

 

Tờ mờ sáng, từng đoàn người tấp nập kéo nhau về khu công nghiệp (KCN) Đông Bắc Sông Cầu. Một vùng cát trắng bừng lên sức sống với cảnh làm việc tấp nập, hối hả. Anh Trần Viết Nghĩa, sinh sống tại TP Quy Nhơn (Bình Định), nhưng làm việc trong KCN, kéo tôi làm một chuyến thưởng ngoạn. Con đường liên xã nối Xuân Hải với Xuân Bình tuy có hơi hẹp nhưng đi lại rất thuận lợi, đầm Cù Mông ngăn trở hai địa phương ngày nào đã được nối bằng cây cầu bê tông. Hai bên bờ đầm, bạt ngàn dừa quyện với màu xanh thẫm của mặt đầm. Nghĩa bảo tôi: Xuân Hải đổi khác, bừng lên sức sống mới, nhộn nhịp, nhưng đặc sản của đầm, của biển Xuân Hải vẫn còn nguyên. Con người cũng có nhiều đổi khác thích ứng theo sự phát triển mới. Để chứng minh, anh đèo tôi lên tuyến đường liên xã, qua mấy đụn cát cao khuất tầm nhìn, bỗng lộ ra thôn 5 mà hầu hết các hộ dân đều mở quán mua bán phục vụ công nhân KCN. Vượt cây cầu bắc qua đầm Cù Mông sang bên bờ tây thuộc địa phận xã Xuân Bình, nơi đây đã mọc lên mấy căn “nhà hàng nổi” phục vụ các loại đặc sản của vùng. Chủ “nhà hàng nổi” Chế Sen là anh Trần Văn Chế, sinh ra gắn bó với mặt đầm, lớn lên từ con nước của đầm, sau thời gian đi bộ đội, anh lại về với đầm. Thế mà đến cuối năm 2006, anh chuyển sang ngành kinh doanh dịch vụ. Anh Chế cho hay: “Sinh sống bằng nghề đánh bắt trong đầm bao nhiêu năm rồi, từng ngõ ngách của đầm mình thuộc như lòng bàn tay, đêm có thể vừa ngủ vừa đi sõng. Đến tháng 11/2006, tôi cùng gia đình quyết tâm bỏ mặt đầm lên bờ, mở quán dịch vụ ăn uống”. Chuyện kinh doanh của anh Chế tính đến giờ chưa “nổi” lắm, nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình và anh tin rằng có ngày sẽ “phát”.

 

Ở khu vực bờ đông, bờ tây của đầm đang chuẩn bị hình thành một khu dịch vụ trung tâm sống động khi giai đoạn hai KCN Đông Bắc Sông Cầu mở ra, thu hút nhiều công nhân, các dự án du lịch trong khu vực này được triển khai xây dựng.

 

CẦN THÊM TRỢ LỰC

 

Không như những làng biển khác của huyện Sông Cầu, Xuân Hải không có nhiều thế mạnh về nuôi trồng thủy sản có giá trị cao như tôm hùm, cá mú vì hướng mặt ra biển, không được che chắn. Đầm Cù Mông chỉ cho hơn 1.000 hộ dân của Xuân Hải nuôi tôm sú, đánh bắt các loại thủy sản trên đầm, nhưng nhiều năm gần đây giá trị kinh tế của những loại thủy sản này không còn cao như trước. Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp mới đây, xã này hiện có 1.791 hộ dân với 8.513 nhân khẩu nhưng chỉ có một hộ dân duy nhất sống bằng nghề lâm nghiệp. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn cũng theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng hộ sống bằng dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thế nhưng GDP bình quân đầu người của Xuân Hải thấp hơn nhiều so với 6,6 triệu đồng/người/năm của huyện Sông Cầu.

 

Chủ tịch UBND xã Xuân Hải Phạm Chấn Hào cho biết: “Thực tế, Xuân Hải gặp nhiều khó khăn về nguồn thu. Không kể KCN không thuộc phạm vi quản lý của xã thì các điểm du lịch kề với Quy Nhơn như Bãi Bàu, Bãi Rạng, khai thác khoáng sản titan… nguồn thu không do xã quản lý. Hằng năm, số thu hơn 300 triệu đồng cũng chỉ là thu nợ thuế từ trước, trong đó số ngân sách xã được hưởng hơn 140 triệu đồng. Hiện tại, trụ sở thôn văn hóa cần được xây dựng, chợ cần được nâng cấp, chỉnh trang, nghĩa trang cũng cần được hoàn thiện nhưng vẫn không có kinh phí”.

 

Chuyện trăn trở về đầu tư xây dựng cơ bản của ông Hào có thể nhận biết dễ dàng qua thực tiễn. KCN được mở rộng, thu hút nhiều lao động, tự bản thân các loại hình dịch vụ cũng sẽ có bước chuyển để đáp ứng. Thế nhưng, hạ tầng sinh kế, hạ tầng cơ sở của xã nếu không đáp ứng đủ sẽ dẫn đến nhiều nỗi lo, có cả nỗi lo về tệ nạn xã hội. Vùng đất này cần được trợ lực mạnh mẽ để phát triển, không chỉ cho tự thân Xuân Hải mà còn cho nhiều vùng lân cận như Xuân Bình, Xuân Lộc…

 

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek