Lĩnh vực lưu trú là bộ phận cấu thành quan trọng của ngành Du lịch và có khả năng mang lại lợi nhuận lớn. Nếu các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú không hành động một cách có trách nhiệm thì sẽ xảy ra hàng loạt những tác động tiêu cực.
Các chuyên gia du lịch trong chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ chỉ ra rằng, có 6 tác động tiêu cực lớn, tiềm ẩn gồm: Góp phần gây ô nhiễm không khí và nóng lên toàn cầu do sử dụng nhiều năng lượng từ việc đốt nhiên liệu; Góp phần gây ra thiếu nước do sử dựng quá mức tại các điểm đến có các nguồn nước hạn chế và số lượng du khách lớn; Làm ô nhiễm, nhiễm độc đất và mặt nước, suy giảm tài nguyên biển và tiềm ẩn các mối đe dọa đến sức khỏe con người từ các nguồn nước thải không được xử lý, rác thải rắn và các hóa chất độc hại; Làm suy giảm kinh tế và một phần làm cho địa phương nghèo hơn khi sử dụng các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ không phải của địa phương; Phá hủy hệ sinh thái và hệ thống phòng vệ tự nhiên do việc chặt bỏ rừng cây ngập mặn ven biển, cồn cát để xây dựng trên quy mô lớn; Hạn chế phát triển kinh tế xã hội do ít việc làm và điều kiện làm việc không tốt.
Ông Trương Nam Thắng, chuyên gia du lịch trong chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ nói: “Không có con đường nào khác mang lại lợi ích bền vững ngoài việc mỗi doanh nghiệp tự ý thức và thực hiện du lịch có trách nhiệm. Trong đó phải sử dụng tối ưu các nguồn lực tự nhiên trong khi vẫn bảo tồn di sản thiên nhiên và sự đa dạng sinh học; tôn trọng và bảo tồn di tích chân thực của văn hóa xã hội, bao gồm các di sản văn hóa và giá trị truyền thống của quá khứ và hiện tại; đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài, bền vững cho tất cả các đối tác”.
Khi thực hiện du lịch có trách nhiệm, lợi ích mang lại của nó cũng rất lớn. Các nhà quản lý khách sạn trên khắp thế giới đều thừa nhận rằng, thực hành có trách nhiệm với môi trường và xã hội sẽ chuyển thành lợi ích cho doanh nghiệp, môi trường và cộng đồng. Các cuộc khảo sát do các doanh nghiệp thương mại du lịch và các nhà phân tích độc lập cho thấy, 87% khách du lịch tin rằng khách sạn thân thiện với môi trường là quan trọng; 75% khách du lịch chịu ảnh hưởng của chính sách về môi trường của khách sạn, khi quyết định lựa chọn khách sạn; 90% khách du lịch là thương nhân tìm kiếm khách sạn xanh và chấp nhận chi trả cao hơn…
Đối với ngành Du lịch Việt Nam, nhãn Bông Sen Xanh là chương trình quốc gia về du lịch bền vững thân thiện với môi trường; với 5 yêu cầu: Đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; thực hiện các nỗ lực để bảo vệ môi trường sử dụng các nguồn lực tự nhiên và năng lượng một cách có hiệu quả; đóng góp vào bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội địa phương; thực hiện phát triển du lịch bền vững. Dựa trên các mức tiêu chí, các cơ sở lưu trú có thể đạt được từ 1 đến 5 biểu tượng Bông Sen Xanh, đánh giá mức độ hoạt động mà các đơn vị này thực hiện để bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
QUỲNH MAI