Đầu tư hơn 10 tỉ đồng vào hệ thống dây chuyền máy móc, cơ sở xay xát gạo Tường Liên (Cụm công nghiệp Hòa An, huyện Phú Hòa) đang nỗ lực hoàn thiện dây chuyền sản xuất nhằm nâng công suất, chất lượng hạt gạo và nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các nước.
Đầu năm 2014, cơ sở xay xát gạo Tường Liên đầu tư hơn 10 tỉ đồng mở rộng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, hệ thống dây chuyền máy móc với công suất 3 tấn/giờ; nâng tổng công suất của 2 nhà máy lên trên 6 tấn/giờ. Với hệ thống xay xát gạo mới này, quy trình chế biến của cơ sở hoàn toàn khép kín. Hạt gạo sau khi xay sát sẽ nguyên hạt, trắng bóng nhưng vẫn giữ được chất lượng. Ưu điểm của dây chuyền xay xát gạo này là giảm thiểu tối đa số công nhân vận hành máy móc, kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Ông Huỳnh Kim Tường, chủ cơ sở xay xát gạo Tường Liên, cho biết: Từ đầu năm đến nay, cơ sở đã chế biến hơn 450 tấn gạo; doanh thu đạt gần 4 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Nguồn nguyên liệu thu mua của doanh nghiệp chủ yếu ở Phú Yên và một số tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... Với việc nâng công suất nhà máy lên gấp đôi, thời gian tới cơ sở tiếp tục mở rộng phạm vi thu mua lúa vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đủ nguyên liệu sản xuất.
Theo ông Tường, trước đây, 80% gạo của cơ sở Tường Liên được bán cho các đầu nậu để xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Số còn lại được tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội. Tuy nhiên, vừa qua Trung Quốc không cho nhập khẩu đối với mặt hàng gạo qua đường tiểu ngạch nên doanh nghiệp đang “bí” đầu ra. Mặc dù vậy, hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo của một số nước trong khu vực rất lớn. Vì vậy trong thời gian tới, doanh nghiệp tập trung vào việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước; đồng thời hướng đến thị trường xuất khẩu sang một số nước khác để tìm đầu ra ổn định cho hạt gạo. Để sản phẩm xuất khẩu được, cơ sở có kế hoạch tiếp tục đầu tư hơn 2 tỉ đồng để mua máy tách màu và tồn trữ gạo nhằm xử lý hạt gạo tốt và chất lượng hơn. Xử lý gạo trắng thông qua máy tách màu kiểm soát bởi hệ thống máy tính có độ chính xác cao, tạo ra loại gạo trắng nguyên chất đến 99% và giúp phân loại gạo tốt hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Hòa, cho biết: Cơ sở xay xát gạo Tường Liên hoạt động khá hiệu quả tại Cụm công nghiệp Hòa An. Hàng năm, cơ sở giải quyết việc làm cho 30 đến 50 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Huyện Phú Hòa khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
XUÂN NGÔ