Thứ Hai, 17/06/2024 07:06 SA
Nợ xấu sẽ giảm vào cuối năm
Thứ Sáu, 03/10/2014 07:53 SA

Hiện nay, các ngân hàng thương mại chủ yếu sử dụng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, một số ít bán nợ xấu cho VAMC - Ảnh: L.HẢO

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào chiều 29/9 vừa qua. Theo ông Bình, sau khi quyết toán xong thu chi, biết được lợi nhuận, lỗ lãi, các tổ chức tín dụng (TCTD) mới sử dụng các khoản trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Do đó, nợ xấu thường giảm mạnh vào thời điểm cuối năm.

 

ĐÃ XỬ LÝ 53,6% NỢ XẤU

 

Theo NHNN chi nhánh Phú Yên, tính đến ngày 15/9/2014, tổng nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh là 221 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 1,9% tổng dư nợ, tăng 0,13% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn tỉ lệ cho phép (dưới 3%).

 

Điều hành phiên chất vấn chiều 29/9, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Thời gian vừa qua, Thống đốc NHNN đã có nhiều nỗ lực và thận trọng, hiệu quả trong điều hành, góp phần tăng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý. Thống đốc cũng chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu và đến nay đã đạt kết quả ban đầu.

Tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng ghi nhận: Trong năm 2014, hệ thống ngân hàng đã vượt qua được những khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, chặng đường trước mắt vẫn còn nhiều thách thức khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp so với khu vực, nợ xấu chưa được kiểm soát. “Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ được coi là an toàn. Đây là mục tiêu mà chúng ta hướng tới trong quá trình thực hiện đề án Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nhìn vào con số nợ xấu của tháng 8/2014 thì có thể thấy rằng, nợ xấu đang tăng lên so với cuối năm 2013. Nguyên nhân nào dẫn đến vấn đề này và NHNN có những giải pháp mạnh nào để xử lý nợ xấu trong thời gian đến?”, ông Nghĩa chất vấn.

 

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng của các TCTD là 162.200 tỉ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, cao hơn so với mức 3,61% của cuối năm 2013. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm nay là do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Trong năm, các khoản nợ đến hạn chưa trả được nên nợ tích tụ lại và tăng dần lên. Đặc biệt, từ tháng 6/2014, TCTD áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro một cách chặt chẽ hơn theo quy định quốc tế nên nợ xấu cũng gia tăng. Tuy nhiên, sau khi tăng 21,5% trong tháng 6/2014, số dư nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tăng chậm trong tháng 7/2014 và từ thời điểm này, tỉ lệ nợ xấu cũng bắt đầu giảm. Trong 7 tháng đầu năm, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện.

 

Theo người đứng đầu NHNN, thời gian qua, các TCTD đã chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu bằng cách cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận để tập trung trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)… Với các biện pháp quyết liệt nêu trên, 3 năm qua, hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 249.000 tỉ đồng nợ xấu, đạt tỉ lệ 53,6% so với tháng 9/2012 (thời điểm bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu). Trong số này, ngoại trừ một số được xử lý qua VAMC, còn lại đa số nợ xấu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng của TCTD. Đến hết tháng 7/2014, các TCTD cũng đã trích lập dự phòng 78.000 tỉ đồng để cuối năm nay tiếp tục xử lý nợ xấu.

 

Ông Bình cho biết thêm: Hiện NHNN tiếp tục cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay, nhưng sẽ quy định chặt chẽ hơn để tránh các TCTD lợi dụng việc cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu.

 

Cùng với các TCTD trên cả nước, các ngân hàng thương mại ở Phú Yên cũng đang tích cực xử lý nợ xấu. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa - Ảnh: L.HẢO

 

KHÔNG DÙNG NGÂN SÁCH ĐỂ MUA BÁN NỢ XẤU

 

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, ông Đồng Hữu Mạo, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên - Huế cho rằng, NHNN đang lúng túng và chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể để xử lý nợ xấu một cách căn cơ. Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì cho biết, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nợ xấu phải được xử lý càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, với đề án Tái cơ cấu của các TCTD và tiến độ xử lý nợ xấu hiện nay của ngành Ngân hàng, ông Hùng lo ngại sẽ khó đạt mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2015, cơ bản xử lý được nợ xấu. Ông Hùng thắc mắc: “Có phải chúng ta bắt bệnh chưa chuẩn, kê thuốc chưa đúng nên đến nay, nợ xấu vẫn như “cục máu đông” treo lơ lửng trên đầu và tiếp tục làm tắc nghẽn nền kinh tế hay không?”.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời: “Chúng ta đã bắt bệnh đúng, chữa bệnh trúng, nhưng liều lượng thế nào còn phải phụ thuộc năng lực của chúng ta vào sức khỏe của người bệnh. Nếu bây giờ chúng ta có 10% GDP để xử lý nợ xấu thì tôi có thể nói ngay là không cần phải chờ đến năm 2015 mà hôm nay, chúng ta đã có thể xử lý dứt điểm nợ xấu. Phương thuốc thì biết, cách chữa thì có nhưng vấn đề chủ yếu là liều lượng thì không có”. Thống đốc dẫn chứng, từ khủng khoảng kinh tế châu Á năm 1997-1998, một số nước đã sử dụng từ 20 đến 30% GDP để xử lý nợ xấu, thậm chí có nước sử dụng 70% GDP, nước ít nhất cũng từ 7 đến 10% GDP chứ không thể ít hơn. Còn tại Việt Nam, điểm khác biệt lớn nhất là chúng ta không dùng tiền ngân sách để mua đứt bán đoạn nợ xấu. Đó là chưa kể khung pháp lý để tạo điều kiện cho VAMC hoạt động thuận lợi cũng có nhiều hạn chế.

 

Nhấn mạnh các phương thức để xử lý nợ xấu hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, chủ yếu thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro, các bên vay ngân hàng có điều kiện kinh tế trả cho ngân hàng để xử lý nợ xấu, Chính phủ xử lý nợ xấu (thông qua VAMC) và các giải pháp tổng thể về cơ chế chính sách để làm nền kinh tế “ấm” lên, góp phần xử lý nợ xấu. Theo Thống đốc NHNN, trung bình mỗi năm các TCTD trích lập dự phòng khoảng 70.000 tỉ đồng, đồng thời không chia cổ tức để làm nguồn xử lý nợ xấu. Thông thường, vào thời điểm cuối năm, sau khi hạch toán, biết được lỗ lãi, lợi nhuận, các TCTD mới sử dụng các khoản trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nên con số nợ xấu sẽ giảm mạnh vào ngày 31/12 hàng năm.

 

Nhằm hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm nợ xấu vào năm 2015, đúng với tiến độ đề ra, Thống đốc cũng đề xuất Chính phủ tăng vốn điều lệ cho VAMC từ 500 tỉ đồng hiện nay lên 2.000 tỉ đồng và có thể xây dựng một bộ luật riêng cho công ty này.

  

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek