Từ khi triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới đến nay, người dân thôn Phước Nhuận, Thạnh Đức thuộc xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) hiến đất, góp công sức mở con đường giao thông liên thôn, liên xóm khang trang, phẳng phiu, thoáng đãng.
Những ngày qua, con đường liên thôn từ đội 7, thôn Phước Lộc đi đội 4, thôn Phước Nhuận được san ủi, lu nền phẳng phiu, thoáng đãng. Con đường rộng 4m, dài 1.600m được tạo nên nhờ 38 hộ dân trong vùng hiến đất. Ông Huỳnh Ngọc Đức nói: “Tôi sinh sống ở đây trên 50 năm, nay dọc theo xóm này mới có con đường đi lại. Không riêng gì tôi mà bàcon trong xóm ai cũng vui. Vừa qua tôi hiến một phần đất trước sân để làm đường”.
Trước đây để đến nhà ông Đức và nhiều nhà nằm dọc theo hai bên mương thủy lợi, mọi người phải đi “ké” trên bờ mương N2 của hồ chứa nước Phú Xuân (đoạn qua thôn Phước Nhuận), mùa mưa đất lún, nhiều đoạn nước đóng vũng thành ao nhỏ giữa mương. Nhà ông Đức cũng như 37 ngôi nhà nằm dọc theo bờ mương đều ngửa mặt ra cánh đồng nhưng thuộc “diện” nhà trong hẻm “vùng sâu, vùng xa” vì từ xóm nhà này men theo bờ mương rồi đến con đường nhỏhẹp liên xóm vòng ra sau mới giáp ĐT642 (Trục giao thông phía Tây Phú Yên, đoạn qua thôn Phước Nhuận).
Khi bờ mương được mở rộng thành con đường liên thôn, nhiều nhà trúng giếng nước, đất ở… đều tự nguyện hiến đất. Ông Nguyễn Chánh Thi hiến đất làm đường cho hay: “Sau khi nghe thôn triển khai làm đường, tôi đồng ý ngay. Tôi tự ý tháo hàng rào, lấp giếng nước trước sân để mở rộng đường, không chỉ nhà tôi mà nhiều nhà quanh vùng đi lại thuận lợi”.
Trước đó, cuối năm 2013, thôn Phước Nhuận cũng mở con đường dài 1.800m chạy dọc theo vùng gò đồi để phục vụ sản xuất, di dời dân cư từ vùng ngập lụt sang vùng cao. Đường có điểm đầu từ nhà ông Lê Văn Phụng (nối ĐT642), điểm cuối đến nhà ông Trình Văn Khai. Con đường này đi qua vùng gò, đồi rộng lớn trải dài từ giồng Bà Cò đến Lỗ Tây. Ông Nguyễn Văn Dư, một người dân địa phương, cho biết: “Lúc trước, đến mùa sản xuất tôi vần công gánh hàng tấn phân bò vô rải ruộng gò. Còn đến mùa thu hoạch mía, sắn chờ người có mía sắn phía ngoài thu hoạch mới đến lượt mình để xe vào vận chuyển. Tuy nhiên, có năm chủ mía phía ngoài để lưu gốc họ không cho xe vào nên phải thuê công vác, chi phí rất tốn kém. Nay xe chạy đến nơi, vùng gò đồi này rất thuận lợi trong khâu vận chuyển”.
Thôn Phước Nhuận, những năm trước đây duy nhất chỉ có ĐT642 chạy xuyên qua giữa thôn, nay có thêm 2 con đường mới chạy song song, đó là đường đi vào vùng gò đồi phía sau xóm nhà và tuyến đường chạy theo bờ mương cạnh cánh đồng. Từ ngày có phong trào hiến đất làm đường theo chương trình xây dựng nông thôn mới, giao thôn trong thôn hiện đã khép kín từ ruộng đến vùng gò đồi.
Ông Trịnh Kỳ Phương, Trưởng thôn Phước Nhuận, cho hay: “Người dân sống ở đây qua nhiều thế hệ đến nay thôn mới có 2 con đường mới khang trang như thế này. Nhân dân trong xóm ai cũng vui theo phong trào xây dựng nông thôn mới. Khi đo đạc cắm mốc làm đường, hễ nhà ai trúng cây xoài, cây ổi thì tự chặt. Còn phía trong gò, đường mở rộng trúng đất sản xuất hộ nào thì hộ đó tự đắp bờ mới chừa đất trống để làm đường. Bà con ở đây đồng lòng hưởng ứng. Giai đoạn 1 san ủi mặt bằng, tiếp đến giai đoạn 2 bê tông hóa toàn tuyến”.
Tại thôn Thạnh Đức, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đang lan rộng. Con đường xóm Hóc Son, thôn Thạnh Đức dài 500m, rộng 4m, đã được bê tông hóa khang trang. Xóm Hóc Son có 20 ngôi nhà, trong số đó, phân nửa gia đình hằng ngày phải sử dụng bờruộng để đến đường lớn. Để hoàn thành con đường, mỗi gia đình trong xóm góp trên 20 ngày công nhưng ai cũng vui. Ông Trương Long, người đi đầu trong phong trào làm đường bê tông nông thôn xóm Hóc Son, bộc bạch: “Sau khi nghe xã triển khai làm đường, tôi đến từng nhà vận động bà con. Khi triển khai thi công, hằng ngày mỗi gia đình cử ra một người tham gia”.
Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho hay: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Quang 3 tổ chức họp dân để mọi người lựa chọn tuyến đường cần xây dựng. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã đã hiến đất, góp công sức làm đường giao thôn liên thôn, liên xóm. Người dân quanh vùng giờ đi lại trên con đường khang trang, không phải đi trên bờ mương, bờ ruộng lầy lội vào mùa mưa như trước đây.
MẠNH HOÀI NAM