Thứ Hai, 25/11/2024 06:32 SA
Giếng nước tự phun… thành “trạm” cấp nước
Thứ Năm, 11/09/2014 07:45 SA

Giếng khoan của gia đình ông Hồ Văn Thương ở thôn Phú Long, xã An Mỹ (huyện Tuy An), tự động phun trào nước và trở thành “nhà máy nước” tự nhiên, cung cấp nước sạch miễn phí cho hơn 100 hộ dân.

 

Mỗi ngày có hàng chục hộ dân đến nhà ông Thương lấy nước về dùng - Ảnh: P.NAM

 

Nhiều tháng qua, người dân xã An Mỹ bàn tán về cái giếng khoan của gia đình ông Hồ Văn Thương ở thôn Phú Long bỗng dưng phun trào nước mà không hề dùng máy bơm hút như thông thường. Giếng khoan này được ông Hồ Văn Thương làm từ giữa tháng 4/2014, có độ sâu 24m (qua 10m đất, 14m đá) với kinh phí 8 triệu đồng, hoàn tất chỉ trong một ngày. Ông Thương cho hay: “Trước đây, vùng này thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, gia đình tôi phải dùng nước từ giếng đào của người anh bên cạnh, nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn là kiệt nước. Vì vậy, tôi quyết định làm giếng khoan. Mới khoan tới độ sâu 20m, nước đã phụt lên tung tóe, nhưng tôi phải khoan thêm 4m nữa để đảm bảo duy trì nguồn nước thường xuyên. Lúc đầu thấy lạ, nhưng sau này tìm hiểu mới biết do khoan trúng mạch nước ngầm áp suất lớn”.

 

Từ khi ông Thương khoan giếng đến nay đã gần 5 tháng, nhưng giếng vẫn liên tục phun trào nước lên mặt đất. Áp lực nước mạnh đến mức có thể đẩy lên hồ chứa cao 4m, dẫn xa hàng trăm mét bằng đường ống. Hiện có hơn 6 van nước của các hộ dân trong vùng đấu nối trực tiếp vào hệ thống giếng khoan nhà ông Thương và hơn 100 hộ dân khác ở cách xa từ 2 đến 3km hàng ngày đến lấy nước về sử dụng miễn phí. “Nước phun liên tục cả ngày lẫn đêm, quá thừa, nên tôi dùng đường ống dài gần 100m để tưới cỏ. Mặc dù vậy, có lúc sơ ý đóng các van xả, áp suất của nước tăng đột ngột làm nổ đường ống, nên phải mua 70kg xi măng đổ bê tông bao quanh chân trụ nước; đồng thời nối song song 2 đường ống dài hơn 50m cho nước chảy tự do ngày đêm ra mương và duy trì 1 đường ống khác kéo ra đường cung cấp nước cho người dân các thôn khác sử dụng. Tuy nhiên, nước dưới lòng đất vẫn cứ tràn lên lênh láng”, ông Thương nói.

 

Có điều lạ là cách giếng nhà ông Thương bán kính khoảng 50m, 3 giếng khoan của gia đình các ông Đức, Tự, Thành có độ sâu từ 40 đến 45m, đào mất 3 đến 4 ngày, kinh phí hơn 13 triệu đồng, nhưng phải dùng mô tơ điện bơm hút nước. Trong khi đó, gần 80 giếng đào của người dân thôn Phú Long gần như kiệt nước do nắng nóng kéo dài. “Tôi làm nghề này từ năm 1990, đã từng khoan hơn 100 giếng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nhưng chưa từng gặp hiện tượng lạ này”, người khoan giếng cho ông Thương, ông Nguyễn Ngọc Mưu ở tỉnh Đắk Lắk cho biết. Trong khi hàng chục nghìn hộ dân trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt trong đợt nắng nóng vừa qua thì từ giữa tháng 4 đến nay, hơn 100 hộ dân ở thôn Tân Lập và Phú Long, xã An Mỹ lại dư thừa nước nhờ giếng khoan tự phun của ông Thương. Mỗi ngày có từ 30 đến 50 hộ đến đây chở nước về dùng, bình quân mỗi hộ khoảng 200 lít, kể cả những hộ ở thôn Tân Lập cách xa gần 3km trên dốc cao. Theo ông Thương, do nước tràn, chảy lênh láng suốt ngày đêm, thấm vào lòng đất, nên các giếng đào của những hộ bên cạnh cũng tự nhiên ngập đầy nước. Có giếng mực nước dâng cao hơn 4m, hiện tượng chưa từng xảy ra tại đây vào mùa nắng nóng các năm trước, chứ chưa nói đến đợt nắng hạn kéo dài vừa qua.

 

Đang hứng nước từ vòi vào 3 xô nhựa trước nhà ông Thương, anh Nguyễn Tấn Sơn ở xóm cầu Sắt, thôn Phú Long, nói: “Từ khi có cái giếng lạ này, bà con ai muốn lấy nước cũng được. Mỗi ngày tôi chở không dưới 7 chuyến, mỗi chuyến gần 100 lít nước về dùng thoải mái mà không phải trả một đồng nào”. Mặc dù vậy, người dân nơi đây vẫn tỏ ra lo lắng, vì đến thời điểm nào đó, giếng sẽ không tự phun nước nữa và nước lại khan hiếm như trước đây. Vì vậy, nhiều người dân ở đây đề nghị, từ giếng khoan nhà ông Thương, Nhà nước cần khảo sát, xây dựng công trình nước sinh hoạt tại đây để bà con có nguồn nước sử dụng bền vững.

 

Giải thích hiện tượng trên, ông Trần Thiện Thuật, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đưa ra nhận định ban đầu, giếng khoan tự phun trào và duy trì trong thời gian dài là rất hiếm. Nguyên nhân có thể là do 2 mạch nước ngầm từ trên cao chảy xuống gặp nhau tạo thành áp lực, đẩy nước lên mặt đất. Tuy nhiên, cần phải có công trình nghiên cứu, thăm dò địa chất mới có kết luận chính xác.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek