Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu và gas liên tục giảm, nhất là trong tháng 8 và đầu tháng 9, nhưng hiện giá các loại thực phẩm vẫn không điều chỉnh giảm.
THỰC PHẨM GIỮ GIÁ
Từ đầu tháng 9, giá gas bán lẻ cho người tiêu dùng giảm 583 đồng/kg, tức 7.000 đồng/bình 12kg so với giá gas trong tháng 8. Vậy tính từ tháng 8 đến nay, giá gas bán lẻ trên thị trường trong nước đã có 2 đợt điều chỉnh giảm, với tổng mức giảm là 19.000 đồng/bình 12kg. Tối 9/9, giá xăng, dầu tiếp tục giảm 30-150 đồng/lít. Đây là lần giảm giá thứ 5 từ đầu tháng 8 đến nay. Mặc dù giá xăng, dầu và gas đã giảm nhưng giá thực phẩm các loại vẫn chưa điều chỉnh giảm. Tại các quán ăn, giải khát ở TP Tuy Hòa, giá thực phẩm chế biến sẵn vẫn giữ như trước. Ông Lê Văn Tài, chủ một quán ăn ở phường 3, TP Tuy Hòa cho biết: Thông tin giá xăng, dầu, gas giảm nhưng giá thực phẩm tươi sống không giảm nên tôi không thể hạ giá thành các món ăn. Tuy giá gas giảm cũng giúp chúng tôi giảm bớt chi phí nấu nướng nhưng không bao nhiêu, giá thực phẩm chế biến sẵn phụ thuộc phần nhiều vào thực phẩm tươi sống. Do đó, chúng tôi chỉ giảm giá món ăn khi nào giá các loại hàng tươi sống giảm mạnh.
Thực tế, ở các chợ Tuy Hòa, Tân Hiệp, phường 7, phường 9, Phú Lâm…, các mặt hàng thực phẩm cũng chưa chịu xuống giá. Theo một số tiểu thương thì giá rau củ quả, thịt heo, hải sản… mua trong hoặc ngoài tỉnh vẫn giữ giá như lâu nay. Bà Nguyễn Thị Liêm, bán hàng rau củ quả ở chợ phường 9, TP Tuy Hòa cho hay: Nhiều tháng nay, các loại rau củ mua từ Đà Lạt, Đắk Lắk và các tỉnh miền Tây… về hầu hết giữ nguyên giá, thậm chí một số loại rau có chiều hướng tăng do thời tiết mưa thất thường trong nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến sản lượng rau sau thu hoạch của người trồng. Mặt khác, do cước vận chuyển vẫn giữ như cũ nên giá hàng hóa nhập từ tỉnh khác về cũng không giảm.
Theo 2 hãng xe Thuận Thảo, Cúc Tư và các chủ xe ở Bến xe liên tỉnh, Bến xe Tuy Hòa, giá cước vận chuyển vẫn áp dụng như trước đây. Đại diện hãng xe Cúc Tư cho biết: Đối với xe thì nhiên liệu tiêu hao chủ yếu là dầu. Tuy giá xăng giảm nhiều nhưng giá dầu giảm không bao nhiêu. Do đó, chúng tôi không điều chỉnh giảm giá cước vận chuyển. “Tôi nhận chở hàng cho khách từ Đà Lạt về Tuy Hòa. Do tiểu thương đã quen với giá cước phí như lâu nay nên tôi không giảm giá. Vả lại, nếu giảm thì tôi cũng chỉ giảm vài ba nghìn đồng. Mỗi lần thay đổi giá cước, tôi phải giải thích với họ, phiền phức lắm”, ông Trần Nam, chủ một xe tải khác tại TP Tuy Hòa nói.
NGƯỜI TIÊU DÙNG CHỊU THIỆT
Một nghịch lý thường xuyên diễn ra là khi giá nhiên liệu tăng thì giá thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn… đều tăng, nhưng khi mặt hàng trên giảm giá thì giá thực phẩm không hạ nhiệt. Đây là điều bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương hàng thực phẩm tươi sống chợ Tuy Hòa phân trần: Tuy là người bán nhưng chúng tôi cũng là người tiêu dùng nên không phải không nghĩ đến cái khó của người mua. Vì giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí vận chuyển, nguồn hàng khan hiếm… nên chúng tôi buộc phải bán theo mức giá chung.
Ông Trần Minh Hảo ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa cho biết: Mỗi đợt xăng, dầu… tăng giá, người dân như chúng tôi đều lo lắng vì các khoản chi phí sẽ theo đà tăng giá. Do nguồn thu vẫn ổn định nên chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng trong chi tiêu. Song khi giá xăng, dầu và gas giảm nhưng các chủ hàng không chịu giảm giá thì người dân luôn phải chịu thiệt, “cuống” lên chạy theo giá thị trường. Còn bà Ngô Thị Lan Chi ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An thì cho hay: Thông lệ thì giá cả hàng hóa chỉ có tăng mà không giảm. Người bán thì nói do doanh nghiệp vận tải, điều kiện thời tiết… cứ thế mà tăng hoặc giữ giá. Vậy khi nào người tiêu dùng được hưởng lợi? Nghe giá xăng, dầu… giảm là mừng nhưng sau đó, chúng tôi vẫn phải “gồng” mình với đủ các khoản chi.
KHANG ANH