Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết, mặc dù Nhà nước đã giảm thuế nhập khẩu xăng xuống còn 5% kể từ ngày 1-5, nhưng do giá xăng nhập khẩu trong những ngày đầu tháng 5 đã vọt lên 86,5-87 USD/thùng nên khó tránh khỏi việc tăng giá bán lẻ trong vài ngày tới.
Theo tính toán của ông Sang, với giá xăng nhập khẩu như hiện nay, cộng tất cả khoản phí và thuế, thì các DN đầu mối vẫn phải chịu mức lỗ bình quân khoảng 1.000-1.100 đồng/lít. “Saigon Petro hiện đang cân đối lại nguồn hàng dự trữ, đồng thời tính toán lại các chi phí để kiến nghị liên Bộ Thương mại và Tài chính, cho phép tăng giá bán lẻ xăng. Dự kiến mức tăng lần này có thể đạt mức kịch trần cho phép của Bộ Thương mại, tức tăng 1.000 đồng/lít. Thời điểm thực hiện giá bán mới sẽ rơi vào khoảng cuối tuần này, tức ngày 6 hoặc 7-5 tới đây” – ông Sang nói.
Về phía “anh cả đỏ” Petrolimex, đơn vị hiện chiếm hơn 60% thị phần của cả nước thì có vẻ thận trọng hơn trong việc công bố mức tăng cũng như thời điểm sẽ tăng giá bán. Họ chỉ cho biết, hiện đang lên kế hoạch để tăng giá bán một cách hợp lý nhất. Một số đầu mối nhập khẩu khác như Công ty Xăng dầu quân đội,... cũng không giấu giếm việc chuẩn bị tăng giá bán lẻ trong những ngày tới.
Được biết, cách tính toán giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng theo Nghị định 55 cũng không có gì khác so với trước đây. Cụ thể, giá nhập khẩu sẽ được cộng với các khoản thuế và phí như thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí kho bãi, lợi nhuận định mức, chi phí vận chuyển và lệ phí giao thông là 500 đồng/lít sẽ ra giá bán lẻ. Nhận định về giá bán lẻ trong thời gian sắp tới, một số DN cho rằng, sẽ không có sự chênh lệch lớn về giá bán giữa các DN vì ngoài công thức tính giá nêu trên, trước khi đưa ra phương án, các DN cũng có tham khảo cách tính toán của nhau.
Mới đây, Bộ Thương mại cũng đã gửi công văn, trong đó yêu cầu các DN chỉ điều chỉnh giá không quá hai lần trong 3 tháng. Tuy nhiên, theo các DN, yêu cầu này sẽ khó thể thực hiện vì hiện nay năng lực dự trữ nguồn hàng của các DN còn rất yếu. Hơn nữa, Chính phủ đã cho phép các DN tự quyết định giá, điều này cũng đồng nghĩa với việc giúp các DN cũng như người tiêu dùng trong nước làm quen với giá hàng hóa trên thế giới. “Thời gian điều chỉnh có thể từ 15-20 ngày, hoặc giá xăng trong nước đứng ở ngưỡng tăng hoặc giảm 300 đồng/lít là tốt nhất. Chúng ta không nên để mức giá tăng lên hàng ngàn đồng rồi mới điều chỉnh vì sẽ quá muộn” - một số DN kiến nghị.
Theo một quan chức của Bộ Thương mại, mặc dù Nhà nước cho phép các DN tự quyết định giá bán lẻ nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc như đảm bảo giá bán xăng không gây ra biến động lớn trên thị trường, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống, gây tác động xấu đến tâm lý xã hội. Nếu muốn tăng giá, các DN phải lên phương án cụ thể để trình liên Bộ Thương mại và Tài chính khoảng 2 ngày trước khi tăng giá. Liên bộ sẽ xem xét, nếu mức tăng không phù hợp với tình hình thực tiễn sẽ yêu cầu các DN tính toán lại.
Trong trường hợp phát hiện thấy việc định giá bất hợp lý hoặc có sự liên minh để tạo độc quyền thì Nhà nước sẽ xử lý theo hướng đình chỉ ngay mức giá mà các DN đang áp dụng, có thể tịch thu ngay số tiền chênh lệch từ việc định giá bán cao. Nếu DN vi phạm nhiều lần có thể rút giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo SGGP