Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hội nhập. Không chỉ thể hiện sự minh bạch của một ngân hàng, một quốc gia, góp phần giải quyết những tiêu cực như tham nhũng, rửa tiền, quỹ đen, kiểm soát lưu thông tiền tệ, TTKDTM sẽ là yếu tố quan trọng thu hút vốn đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại, giảm chi phí và thời gian cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi thực hiện đầu tư hay thanh toán...
NỀN KINH TẾ... TIỀN MẶT
Thanh toán bằng tiền mặt hiện vẫn còn rất phổ biến
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Phú Yên, giai đoạn 2001-2006, doanh số TTKDTM gia tăng khá mạnh. Tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiến triển theo xu hướng giảm dần, từ 32,2% năm 1997 xuống còn 18,4% năm 2006. Từ việc thanh toán hoàn toàn thủ công, mọi giao dịch thanh toán đều dựa trên cơ sở chứng từ giấy, đến nay giao dịch thanh toán được xử lý điện tử chiếm đa số. Số lượng máy giao dịch tự động ATM và mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ ngân hàng phát triển nhanh. Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Dịch vụ tài khoản cá nhân của hệ thống ngân hàng thương mại phát triển khá nhanh, từ 135.000 tài khoản năm 1997 lên 6,5 triệu tài khoản năm 2006 với số dư khoảng 35 ngàn tỷ đồng… Riêng ở Phú Yên, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán hiện chiếm khoảng 24% với 200.000 tài khoản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, thanh toán bằng tiền mặt hiện vẫn còn rất phổ biến trong nền kinh tế. Cụ thể, TTKDTM mới chỉ đạt 18,4% trên tổng phương tiện thanh toán, do vậy Việt
70% CÔNG CHỨC SẼ ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG QUA TÀI KHOẢN
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, phát triển TTKDTM sẽ xóa bỏ thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thanh toán của nền kinh tế; nâng cao năng lực giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hoá nền kinh tế, góp phần thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ, thúc đẩy và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2007-2010 và tầm nhìn 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cả nước sẽ đạt mức phát hành 15 triệu thẻ ATM, 20 triệu tài khoản cá nhân, chiếm 70% vào cuối năm 2010. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước đạt được 30 triệu thẻ và 95% các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tự chọn… lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ. Giảm lượng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán xuống 17% đến năm 2010 so với hiện nay là 18,4% và đến năm 2020, tỷ lệ này còn 10%.
Cũng theo đề án trên, đến năm 2010, sẽ có 70% cán bộ, công nhân hưởng lương ngân sách và 50% công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp, tư nhân được trả lương qua tài khoản. Đến năm 2020, sẽ nâng lên 45 triệu tài khoản cá nhân; 95% cán bộ hưởng lương ngân sách và 80% lao động được trả lương qua tài khoản. Đạt mức 60% các khoản chi tiêu từ ngân sách, 70% khoản thanh toán dịch vụ công cộng định kỳ phải thực hiện qua tài khoản đến năm 2010. Đến năm 2020, 90% chi tiêu từ ngân sách và 90% thanh toán dịch vụ công cộng qua tài khoản. Đạt mức 90% các khoản thanh toán giữa các doanh nghiệp với nhau thực hiện qua tài khoản tại ngân hàng đến cuối năm 2010 và đạt 100% đến năm 2020...
Các chuyên gia tài chính đều khẳng định, sự phát triển của thị trường thẻ sẽ góp phần quan trọng vào việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Ở Phú Yên, hiện thị trường thẻ đang trong giai đoạn “trăm hoa đua nở”. Tuy nhiên, cũng như cả nước, Phú Yên vẫn chưa có sự thống nhất về chuẩn thanh toán và chấp nhận thẻ nên đóng góp của hệ thống ATM vào việc hạn chế tiền mặt trong thanh toán chưa được phát huy đúng mức. Hiện tại, đã có gần 10.000 thẻ ATM được phát hành, có 3/4 ngân hàng phát hành thẻ. Hy vọng đến năm 2009, khi Trung tâm Thanh toán bù trừ quốc gia với vai trò kết nối các liên minh thẻ hiện có và thống nhất chuẩn thanh toán, giao dịch... mà đề án đưa ra đi vào hoạt động, cùng với việc phát triển TTKDTM ở các loại hình dịch vụ, thương mại thông qua hệ thống thẻ ATM, TTKDTM mới nhanh chóng được phát huy.
ĐĂNG NGUYÊN