Thôn Tân Hải xã Phước Tân (Sơn Hòa) hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi, có 60 hộ với 248 nhân khẩu, đời sống rất khó khăn.
Buôn Ma Hóa (thôn Tân Hải, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) đón nhận danh hiệu Thôn Văn hóa - Ảnh: LÊ KHA
Từ khi có Chương trình 135 định hướng của huyện và xã về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thôn Tân Hải có những chuyển biến về phương pháp làm ăn. Ban nhân dân thôn luôn tổ chức vận động bà con “thi đua sản xuất giỏi”, “đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”… Cán bộ xã, thôn tổ chức nhiều cuộc họp hướng dẫn cho bà con về việc xóa đói giảm nghèo, như trồng mía, lúa nước, chăn nuôi bò lai… phù hợp với khí hậu, đất đai ở miền núi.
Ông Sô Minh Lệnh, trưởng thôn Tân Hải cho biết: “Để đạt được hiệu quả cuộc vận động, chúng tôi nhờ các già làng có uy tín cùng tham gia. Cán bộ thôn phải làm trước và làm có hiệu quả để bà con cả thôn cùng làm theo”. Hiện nay, thôn Tân Hải sản xuất 54 ha, trong đó mía 10ha, lúa nước 6ha mỗi vụ, còn lại lúa rẫy và sắn 38ha. Ngoài trồng trọt các loại cây trồng bắp lai, đậu đỏ, mè… bà con nông dân còn chú trọng đến việc chăn nuôi bò. Đàn bò của thôn hiện đã có 263 con, dùng để cày kéo và còn là hàng hóa, tiêu thụ để chi dụng xây cất nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại, đồ dùng trong nhà như tivi, bàn tủ.v.v…
Nhiều hộ đã làm ăn khấm khá hơn, như Oi Giỏ có đàn bò 11 con, 2 ha sắn, lúa, nhà cửa đã xây dựng đàng hoàng. Oi Việt bằng nghị lực, dám nghĩ dám làm thuê máy ủi cải tạo 5 sào ruộng, chặn suối đưa nước vào sản xuất lúa nước mỗi vụ thu nhập khoảng 2 tấn lúa. Oi Việt còn chăn nuôi 10 con bò, trồng 1 ha sắn và lúa thổ.
Ngoài việc vận động nhân dân phát triển kinh tế, Tân Hải còn vận động nhân dân “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, sống có tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan. Nhờ vậy, năm 2006 Tân Hải được UBND huyện Sơn Hòa công nhận thôn văn hóa. Ông Sô Minh Lệnh thôn trưởng tâm sự: “Cuộc sống của thôn mình hôm nay đã được thay đổi nhiều. Mọi người đoàn kết nhau trong cuộc sống và giúp đỡ sản xuất, thay đổi giống cây trồng, biết thâm canh mía, lúa nước, phòng chống bệnh gia súc… Nhờ đó mà nhiều hộ đã vượt lên thoát nghèo.
TRẦN LÊ KHA