Về các làng ở huyện Đông Hòa và Tây Hòa, người ta thường bắt gặp cảnh nhiều gia đình ngồi quây quần đan lát những đồ mây tre lá trước hiên nhà. Đối với những gia đình này làm hàng mây tre lá là một nghề phụ trong lúc nông nhàn nhưng lại là thu nhập chính.
CẢI THIỆN THU NHẬP CHO NHIỀU GIA ĐÌNH
Đào tạo nghề làm ốc mỹ nghệ ở HTX Hòa Quang (Phú Hòa) - Ảnh: MINH TRIẾT
Chị Mạch Thị Tuyết ở thôn Phước Bình Bắc (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) cho biết: “So với làm nông nghiệp, công việc này đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng cao hơn”.
Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây Lê Tấn Hùng cho biết: “Nghề thủ công mỹ nghệ mở ra không chỉ giúp cho các thợ đan đát có việc làm mà ở các xã miền núi, một số lượng lớn lao động còn tham gia thu nhặt, gom góp nguyên liệu như bẹ chuối, mây… Nhờ vậy, nạn phá rừng đốt than ở các địa phương cũng giảm dần”.
XÃ HỘI HÓA ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG
Chủ nhiệm HTX Mây tre lá và thủ công mỹ nghệ Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa) Lương Tấn Thái cho biết: “Chúng tôi luôn coi trọng công tác đào tạo tay nghề cho lao động. Bộ phận kỹ thuật luôn được gửi đi đào tạo các nơi hoặc mời thầy giỏi về trực tiếp dạy nâng cao tại chỗ. Lực lượng tham gia sản xuất được đào tạo thông qua sự trợ giúp các chương trình, dự án các cấp. Lượng lao động được đào tạo đã phục vụ và giúp cho đơn vị có nhiều sản phẩm”.
Năm 2002, HTX Mây tre lá và thủ công mỹ nghệ Tân Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Liên minh các HTX Phú Yên đào tạo nghề cơ bản cho 2 xã Hòa Mỹ Đông và Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) với 200 người theo học. Cuối năm 2002, Trung tâm Khuyến Công Sở Công nghiệp và Sở Khoa học – Công nghệ Phú Yên đã mời giảng viên đào tạo nâng cao cho 20 kỹ thuật viên của HTX và 160 lao động cho 3 xã Hòa Đồng, Hòa Tân Tây, Hòa Tân Đông. Công nghệ dùng máy bắn đinh công nghiệp lần đầu tiên được đưa vào sản xuất hàng cao cấp và đang là sản phẩm đặc thù, có uy tín của Phú Yên. Trong hai năm 2003 – 2004, các dự án của Sở Công nghiệp Phú Yên cùng HTX thực hiện các dự án hỗ trợ đào tạo cho 2 xã Xuân Lộc, Xuân Bình (huyện Sông Cầu) 100 lao động. Các xã vùng xa, khó khăn như Hòa Mỹ Tây, Sơn Thành (huyện Tây Hòa), Sơn Giang và thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) mỗi xã 100 lao động. Hai năm 2005 - 2006, HTX phối hợp với Liên minh HTX Phú Yên, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đào tạo theo giáo trình và học viên được cấp chứng chỉ nghề quốc gia.
Bên cạnh HTX Mây tre lá và thủ công mỹ nghệ Tân Hòa Bình, các HTX khác cũng đã đào tạo, thu hút một lượng lớn lao động có việc làm. Từ năm 2002 đến nay, các HTX đã phối hợp với Sở Công nghiệp, các ngành đào tạo nghề cho gần 2.000 lao động trong các lĩnh vực như sản xuất mây tre lá xuất khẩu; sản xuất cước, thảm, thảm xơ dừa xuất khẩu, mành gỗ, rèm gỗ; gỗ mỹ nghệ; chế biến đá Granit; chế biến mực khô sấy tẩm gia vị… Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên Tô Thị Hòa cho biết: “Công tác liên kết đào tạo đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.000 người tại các HTX, tổ hợp tác với mức thu nhập bình quân 400.000 – 500.000đ/người/ tháng. Hàng ngàn lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn được giải quyết việc làm với mức thu nhập bình quân 300.000 – 350.000 đồng tháng”.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên Nguyễn Ngọc Căn đánh giá: “Kinh tế tập thể có vai trò lớn trong lĩnh vực xã hội đã giải quyết một lượng lao động lớn, đặc biệt là khu vực nông thôn. Với sự năng động của mình, HTX ngày càng tạo nhiều việc làm cho xã viên, thành viên tổ hợp tác, tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện mọi mặt đời sống xã viên, hộ gia đình xã viên nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung. HTX đã thể hiện tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm, thể hiện nếp sống văn hóa nông thôn”.
MINH CHÂU