Ngày 9/7 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,52% nhưng vì tính quy luật của thị trường nên 6 tháng cuối năm tín dụng thường tăng trưởng gấp đôi so với đầu năm. "Vì vậy, nếu theo quy luật đó thì sáu tháng còn lại tín dụng sẽ tăng khoảng 7%, tính chung cả năm sẽ đạt trên 10%", Thống đốc nhận định.
Mặc dù vậy, thống đốc cũng thừa nhận, khó khăn nổi bật nhất trong nửa đầu năm nay là tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, vì vậy việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng tiếp theo sẽ phải linh hoạt hơn.
Thống đốc nhấn mạnh, để lưu thông dòng vốn tín dụng, thời gian tới đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm...
Về vấn đề xử lý nợ xấu, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận, tình hình xử lý nợ xấu có vẻ như chậm lại trong thời gian qua, nhưng sự chậm lại đó là để hoàn thiện các văn bản pháp lý và tinh thần chung từ nay đến cuối năm vẫn là tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro…
Hiện tại, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được trên 50.000 tỉ đồng nợ xấu và kế hoạch năm nay sẽ mua khoảng 70.000-100.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Thống đốc, việc mua nợ xấu là vấn đề quan trọng nhưng việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ đã mua lại là một vấn đề hết sức hệ trọng.
Cũng tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, từ trước tới nay mới tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ, yếu kém. Trong 6 tháng cuối năm này sẽ tái cấu trúc cả những ngân hàng thương mại cổ phần lớn.
Theo TTXVN/Vietnam+