Ngày 30/6 tới, công trình Thủy điện Sông Ba Hạ bắt đầu tích nước chuẩn bị cho máy số 1 phát điện vào tháng 12/2007 . Áp lực tiến độ thi công trên công trường trong những ngày tháng 4 này “nóng” không kém thời tiết mùa khô như đổ lửa nơi đây.
Toàn cảnh tràn xả lũ Thủy điện sông Ba Hạ -Ảnh: N.T
Sau ba năm, kể từ ngày khởi công (18/4/2004), dự án thủy điện Sông Ba Hạ đang bước vào giai đoạn thi công nước rút. Cả một vùng rừng núi rộng hơn 200 ha thuộc địa phận xã Suối Trai, nơi thi công các hạng mục chính của công trình thủy điện lớn này như càng nóng hơn bởi tiếng ầm ào của máy đào, máy xúc, xe tải hoạt động liên tục ngày đêm. Trên tuyến áp lực, đập chính vắt qua sông Ba dài 808 m, có nhiều đoạn đã đắp đất đến cao trình thiết kế 110,7m. Lúc này, các nhà thầu Tổng Công ty Cơ điện- Xây dựng nông nghiệp và thủy lợi cùng Công ty Xây dựng thủy lợi 24 đã huy động toàn bộ phương tiện, thiết bị kỹ thuật, lao động bám công trường tiếp tục gia cố thân đập, xây lát mái. Kỹ sư trẻ Lê Hoàng Hiệp, cán bộ Tổng Công ty Cơ điện- Xây dựng nông nghiệp và thủy lợi, khoát tay một vòng giới thiệu với chúng tôi toàn bộ cụm đầu mối. Dừng lại giữa thân đập chính, nơi đơn vị anh đang tập trung lực lượng xây lắp tràn xả lũ, Hiệp diễn giải: “Hạng mục này gồm 12 khoang bằng bê tông cốt thép, mỗi khoang rộng 15x16,5m với lưu lượng xả lũ đến 28.000m3/giây. Toàn bộ hạng mục này bảo đảm đúng tiến độ, sẽ hoàn thành trước tháng 9 để sẵn sàng phục vụ xả lũ trong mùa mưa năm nay. Đến thời điểm này, chúng tôi đã đổ hơn 350.000 m3 bê tông, đạt trên 90% khối lượng thiết kế. Tuy khối lượng còn lại không nhiều nhưng việc thi công càng lên cao càng khó khăn, vất vả, đòi hỏi những người thợ có tay nghề cao”. Mặt trời đứng bóng, phả hơi nóng hầm hập, song nhiều người thợ vẫn đang đu mình trên những giàn sắt ở độ cao hơn 50 m so với mặt đất, còn bên dưới là dòng sông đang chảy xiết.
Ở tuyến năng lượng gồm các hạng mục kênh dẫn dòng, cửa lấy nước, đường hầm áp lực, nhà máy và kênh xả, việc thi công cũng không kém phần khẩn trương. Kênh dẫn dòng dài 3.850m, do nhà thầu là Công ty Xây lắp điện 1 đảm nhận, đã cơ bản hoàn tất phần đào đắp đất đá và đang lát mái bằng tấm đan đạt 30% khối lượng. Hai đường hầm áp lực dẫn nước xuyên qua dưới núi do Xí nghiệp Xây dựng 10. 2 (Tổng Công ty Sông Đà) thi công, đã thông tuyến dài 1.974,6 m và hoàn thiện bê tông cốt thép vỏ đường hầm hơn 1.000m, rộng 7,5m. Về phía nhà máy, các đơn vị đang khẩn trương hoàn thành bê tông hố móng nhà máy buồng xoắn cho 2 hai tổ máy. Công ty xây lắp điện 1 tiến hành lắp đặt những thiết bị cơ khí đầu tiên của tổ máy số 1 do nhà thầu Dongfan Electric Co (Trung Quốc) cung cấp. Không phải đến giai đoạn này, tiến độ thi công mới đặt ra nghiêm ngặt. Kỹ sư Đào Đức Hoàn, Trưởng ban chỉ huy công trình cho biết: Sau khi chặn dòng vào giữa tháng 1/2006, các nhà thầu đã triển khai làm 3 ca không kể ngày lễ, ngày Tết để bảo đảm công trình vượt lũ cuối năm vừa qua. Trong thời gian này, mỗi ngày đêm chúng tôi đã đắp 20.000 m3 đất. Đến nay, toàn công trường đã đào đắp gần 15 triệu m3 đất, đá các loại, đổ hơn 100.000 m3 bê tông, lắp đặt 700 tấn thiết bị thuỷ công với giá trị hơn 1.300 tỷ đồng, gần bằng 70% tổng giá trị xây lắp của công trình.
Hiện nay là thời điểm thi công nước rút nên áp lực về tiến độ thôi thúc các nhà thầu hơn bao giờ hết. Kỹ sư Võ Luỹ, Trưởng Ban quản lý dự án thuỷ điện 7, cho biết: Tiến độ thi công được chúng tôi quản lý rất chặt, từng hạng mục công trình đều có quy định thời gian hoàn thành các phần việc rất cụ thể nên buộc các nhà thầu phải luôn huy động tối đa lực lượng có mặt vào công việc. Hàng tuần, chúng tôi đều tổ chức giao ban với các nhà thầu để nắm chắc tiến độ thi công. Những công việc nào không đạt tiến độ theo kế hoạch, chúng tôi cùng nhà thầu tìm cách khắc phục, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ đã được Tập đoàn Điện lực Việt
Vì tiến độ công trình, trong số họ có nhiều người như kỹ sư Hiệp đã tình nguyện ở lại đón Tết tại công trường liên tiếp trong 3 mùa xuân vừa qua. Và họ lại cũng sẽ không có ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới để hoàn thành mục tiêu tích nước vào cuối tháng 6. Họ biết rất rõ rằng, việc đưa nhà máy thủy điện này vào vận hành đúng tiến độ không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực công trình (bởi vì nếu phát điện sớm mỗi ngày sẽ làm lợi trên 3 tỉ đồng), mà quan trọng hơn, góp phần giải quyết nhu cầu điện năng đang đòi hỏi bức bách của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
NGUYÊN TRƯỜNG