Thứ Tư, 27/11/2024 13:45 CH
Hội nhập kinh tế quốc tế:
Lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Phú Yên?
Thứ Sáu, 20/04/2007 15:50 CH

Trong buổi nói chuyện về “Hội nhập kinh tế quốc tế và phổ biến những cam kết gia nhập WTO của Việt Nam” của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển dành cho cán bộ Phú Yên mới đây, một lãnh đạo doanh nghiệp hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn do qui mô sản suất nhỏ, chi phí vận chuyển lớn. Xin Bộ trưởng cho chúng tôi một lời khuyên trước những thách thức khi gia nhập WTO?

 

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển sau khi đã trình bày với người hỏi về một số nét chung của ngành dệt may Việt Nam với những thuận lợi và khó khăn, cũng như thông cảm với doanh nghiệp về chi phí vận chuyển (mà có thể khắc phục được khi có cảng gần, như Vũng Rô hoặc Vân Phong), đã đưa ra lời khuyên rằng: Phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Nhân đây, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi cũng chính là mối quan tâm lớn của nhiều người: Lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Phú Yên khi hội nhập kinh tế quốc tế?

 

Để trả lời câu hỏi này, trước hết không thể bỏ qua vấn đề: Đâu là điều đáng lưu ý của các doanh nghiệp Phú Yên.

 

Ngay sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, trong bài viết có tựa đề ”Gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, cơ hội- thách thức và hành động của chúng ta” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng sớm nhất trên website của Chính phủ, trong phần nói về doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng chỉ rõ: “Có thể thấy rõ 4 điểm yếu của doanh nghiệp nước ta: số lượng doanh nghiệp ít; quy mô nhỏ, thiếu vốn; công nghệ sản xuất nhìn chung lạc hậu; khả năng quản trị doanh nghiệp còn kém (NV nhấn mạnh). Những hạn chế này có nguyên nhân khách quan của một nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp, đang trong quá trình chuyển đổi”.

 

Từ nhận định trên, liên hệ với Phú Yên, có thể thấy rằng, 4 điểm yếu ấy càng thể hiện rõ nét ở các doanh nghiệp Phú Yên khi so sánh với các doanh nghiệp trong nước, chứ chưa nói đến so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây chính là điều đáng lưu ý nhất của các doanh nghiệp Phú Yên.

 

Vì thế, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải nhận thức rõ những yếu kếm của mình và phải có kế hoạch khắc phục.

 

Những lời khuyên được các chuyên gia đưa ra cho tình thế này là: Các doanh nghiệp phải nâng tầm nhìn cao hơn, các doanh nghiệp nhỏ cũng phải tính toán lợi thế so sánh không chỉ phạm vi trong tỉnh, trong nước, mà mở rộng ra toàn thế giới. Từ đó, xác định đúng chiến lược mặt hàng và chiến lược thị trường. Trên cơ sở đó mà đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, tạo ra bản sắc riêng, nét độc đáo riêng của doanh nghiệp mình mà thu hút khách hàng, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu.

 

Ở Phú Yên, các doanh nghiệp cần phát huy thế mạnh kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp của địa phương. Về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân khi gia nhập WTO, Nhà nước ta luôn xem đây là lĩnh vực nhạy cảm và dễ tổn thương hơn cả, khi thực hiện cam kết cắt giảm thuế nông sản. Vì thế, Nhà nước khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ ở nông thôn, thông qua đó mà thúc đẩy quá trình hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp, bảo đảm tiêu tụ nông sản và cung cấp vật tư cho nông dân. Khuyến kích nông dân trở thành cổ đông đồng sở hữu các nhà máy chế biến nông sản. Đây là một chủ trương lớn mà các doanh nghiệp Phú Yên cần nghiên cứu và sớm có kế hoạch và đi trước trong đầu tư.

 

Về khả năng quản trị doanh nghiệp, năng lực và bản lĩnh của người quản trị là quan trọng nhất. Chính vì thế, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có người quản trị có năng lực và bản lĩnh thực sự. Người đứng đầu doanh nghiệp phải vững tay chèo, đưa con thuyền doanh nghiệp vượt qua sóng gió thử thách. Ở điểm này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các doanh nghiệp: “Kinh doanh là nghề chấp nhận mạo hiểm. Chấp nhận mạo hiểm hoàn toàn khác với làm liều. Chấp nhận mạo hiểm trên cơ sở thu thập và xử lý đầy đủ thông tin, và dự kiến trước những diễn biến của thị trường. Phải tính đến rủi ro có thể xảy ra và nếu rủi ro xảy ra thì thiệt hại sẽ được giới hạn và có khả năng  khắc phục. Làm được như vậy hiệu quả kinh doanh sẽ được đảm bảo”.

 

Chủ doanh nghiệp là người giỏi thì phải biết đầu tư nâng cao trình độ nhân lực của doanh nghiệp mình. Nguồn nhân lực Phú Yên luôn dồi dào, lao động trẻ chiếm tỉ lệ cao, giá nhân công rẻ. Đó là những lợi thế, song chỉ nổi rõ ở các lĩnh vực công nghệ đơn giản. Muốn phát triển và đi xa hơn trong tiến trình hội nhập, trình độ lao động trong doanh nghiệp phải được nâng cao để làm chủ công nghệ hiện đại.

 

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng quyết liệt, các doanh nghiệp cần phải liên kết lại. Các doanh nghiệp Phú Yên quy mô nhỏ, ít vốn càng phải tăng cường liên kết hợp tác nhất là các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực.

 

Khó có nhà lãnh đạo hay chuyên gia nào có lời khuyên cụ thể và đầy đủ cho các doanh nghiệp. Theo kế hoạch, sắp đến Sở Thương mại- Du lịch và Sở Kế hoạch đầu tư sẽ tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp về những nguyên tắc quy định của WTO để các doanh nghiệp có kế hoạch sắp xếp lại kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; năng lực quản lý và kỹ năng của người lao động; nâng cao khả năng nắm bắt thông tin và đặc biệt là kiến thức về pháp luật. Trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, các doanh nghiệp phải tự tìm bước đi cho riêng mình trong quá trình hội nhập đầy sóng gió.

 

HUỲNH HIẾU

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hàng Trung Quốc thu hút khách
Chủ Nhật, 22/04/2007 13:29 CH
Được vay vốn lãi suất 0%
Thứ Sáu, 20/04/2007 14:32 CH
Nông dân lai tạo lúa lai
Thứ Sáu, 20/04/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek