Vụ nuôi tôm thẻ chân trắng vừa qua, do thời tiết không thuận lợi, tôm bị dịch bệnh, giá bán lại xuống thấp nên nhiều hộ dân ở xã An Hòa (Tuy An) thua lỗ nặng.
Ông Trương Ngọc Phong ở thôn Diêm Hội (xã An Hòa) cho biết: “Gia đình tôi thả 30 vạn tôm thẻ chân trắng cách đây 70 ngày, do tôm bị bệnh dịch nên phải bắt “non”, hao hụt hết 6 vạn. Nếu tôm không bệnh thì giá bán khoảng 100.000 đồng/kg nhưng do bệnh dịch, tôm lớn bị chết nên thương lái ép giá còn 80.000 đồng/kg. Trong vụ nuôi này, gia đình tôi chi hết 160 triệu đồng nhưng thu hoạch chưa được 120 triệu đồng, lỗ nặng quá!”. Còn ông Trịnh Phích, người có thâm niên nuôi tôm hơn 17 năm nay, cũng rát mặt vì tôm chết hàng loạt. “Vừa qua, gia đình tôi thả 15 vạn tôm thẻ chân trắng giống nhưng chỉ mới được hơn tháng là bị dịch bệnh, tôm nổi trắng đìa. Tôi quan niệm “đạp gai lấy gai lể” nên mới đây dù không đủ tiền để mua con giống mới nhưng gia đình tôi cũng đi vay, đi mượn để thả bằng được, với hy vọng vụ này sẽ lãi để có tiền trả nợ cho vụ trước. Thế nhưng, tôm mới thả cũng đang bị bệnh, nợ lại càng nợ thêm”, ông Phích buồn bã nói.
Cạnh đó, ông Trịnh Ánh cho biết: Tôi mới đi xuất khẩu lao động về được ít vốn nên đầu tư vào việc nuôi tôm nhưng mới thả được một tháng thì tôm dịch bệnh chết. Thời gian qua, tôm thẻ chân trắng thường xảy ra dịch bệnh, giá bán lại xuống thấp ảnh hưởng lớn đến đời sống những hộ nuôi tôm. Còn ông Nguyễn Ngọc Cẩn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Diêm Hội, cũng là một người nuôi tôm lo ngại: “Trước đây các hộ nuôi tôm đa phần đều có lãi nhưng trong mấy năm gần đây, tôm hay bị dịch chết nên gây khó khăn cho các hộ nuôi. Vụ nuôi vừa rồi, ông Nguyễn Văn Đông, ông Nguyễn Ngọc Cẩn, ông Trương Đức Phúc… lỗ trên 50 triệu đồng. Nguyên nhân là do các hộ dân nuôi tôm tràn lan không theo quy hoạch, dẫn đến quá tải khu vực nuôi và ô nhiễm môi trường nước, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Cùng với đó, bệnh dịch này có tính lây lan nhanh nhưng lại không có thuốc đặc trị nên một đìa bị thì các đìa khác cũng bị theo”.
Theo ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tuy An, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 164,5ha tôm bị bệnh; trong đó, riêng xã An Hòa có 65ha tôm thẻ chân trắng bị bệnh. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, môi trường bị ô nhiễm, chất lượng con giống không tốt…, một số hộ nuôi tôm đã thả nuôi không theo lịch thời vụ hướng dẫn nên xảy ra bệnh đốm trắng. Ngành chức năng đã hướng dẫn người nuôi tôm đóng cống hồ có tôm bị bệnh và xử lý bằng Chlorine, tiếp tục theo dõi, phòng ngừa bệnh không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng.
THỦY LOAN