Phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn nhận được sự tham gia nhiệt tình từ cộng đồng dân cư, tạo ra bước đột phá trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tại các huyện miền núi, phong trào này còn gặp nhiều trở ngại.
TIẾN ĐỘ CHẬM
3 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 3 huyện miền núi được triển khai rộng khắp, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, huy động được các nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp. Người dân tự nguyện hiến đất, góp công sức. Tuy nhiên, theo đánh giácủa Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, tỉ lệ bê tông hóa giao thông nông thôn tại 3 huyện miền núi vẫn còn chậm. Cụ thể, năm 2014, huyện Sông Hinh đăng ký bê tông hóa 17,8km, Sơn Hòa 29,6km và Đồng Xuân gần 33km. Trong khi đó, các huyện Tây Hòa theo kế hoạch sẽ bê tông hóa 140km, Tuy An 76km và TX Sông Cầu 57,4km. Trước đónăm 2013, huyện Sông Hinh bê tông hóa xong gần 18km, Sơn Hòa 13,7km, Đồng Xuân 9,3km. So với các huyện đồng bằng thì tỉ lệ hoàn thành bê tông hóa ở các huyện miền núi chỉ bằng 1/10. Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại cho hay: Khó khăn hiện nay đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống là địa hình chia cắt, suất đầu tư cao; tuyến giao thông nội đồng dài nhưng rất ít hộ dân sinh sống nên việc huy động đóng góp gặp nhiều khó khăn.
Theo Ban chỉ đạo nông thôn mới tỉnh Phú Yên, trong năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu có khoảng 20/88 xã đạt được tiêu chí số 2 về giao thông. Trước đó, năm 2013, toàn tỉnh có 15 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 14 xã so với năm 2012. Trong số này có8 xã điểm, gồm: An Cư, An Mỹ (Tuy An); Xuân Hải (TX Sông Cầu); Sơn Hà (Sơn Hòa); Bình Ngọc, Hòa Kiến, Bình Kiến (TP Tuy Hòa), Hòa Trị (Phú Hòa). Như vậy 3 huyện miền núi chỉ có xã Sơn Hà (Sơn Hòa) đạt tiêu chí giao thông. Năm 2014, cũng chỉ duy nhất xã điểm Sơn Nguyên (Sơn Hòa) phấn đấu hoàn thành tiêu chí này. Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, cho hay: “Thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, xã đã triển khai cho các thôn tổ chức họp dân, vận động nhân dân đăng ký thực hiện làm đường bê tông nông thôn. Kết quả, các thôn đăng ký thi công 21 tuyến đường, với chiều dài 5,2km. Với tiến độ này, đến cuối năm 2014, xã không còn tuyến đường nào lầy lội mùa mưa và hoàn thành tiêu chí về giao thông”.
CẦN CƠ CHẾ CHO CÁC XÃ KHÓ KHĂN
Đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn đang được nhân rộng ra các địa phương của huyện Đồng Xuân. Tuy nhiên, do địa hình rộng, dân cư thưa nên ngoài phần 100% xi măng do tỉnh hỗ trợ, khả năng đóng góp từ người dân gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hương, ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) bày tỏ: “Tuyến đường phía trước nhà tôi rộng 2,5m, sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ có3 gia đình bàn nhau cùng góp vốn làm đường bê tông. Gia đình tôi và các hộ dân khác tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất. Thế nhưng, mỗi gia đình còn phải đóng góp trên 2 triệu đồng nên chúng tôi không đủ khả năng, vì vậy đường vẫn còn là đường đất”.
Đề án Bê tông hóa giao thông đã nâng tỉ lệ đường nông thôn được bê tông hóa và nhựa hóa từ 970,28km (năm 2012) lên 2.675km (năm 2013). Hệ thống đường giao thông nông thôn đã góp phần làm thay đổi một phần diện mạo nông thôn so với những năm trước. Tuy nhiên, để hoàn thành khối lượng theo đề án của tỉnh, mỗi năm các địa phương phấn đấu bê tông hóa 600 đến 650km đường nông thôn, trong đó, các xã miền núi đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể.
Theo Sở GTVT, năm 2013, đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn của các xã khu vực đồng bằng, trung tâm kinh tế chiếm đến 90% (khoảng 342km), còn lại là các xã khu vực miền núi khó khăn và bãi ngang ven biển chỉ chiếm 10% (khoảng 38km). Trong đó, một số xã miền núi gặp rất nhiều khókhăn trong việc thực hiện đề án như xã Phú Mỡ (Đồng Xuân), xã Phước Tân (Sơn Hòa) chỉ đăng ký thực hiện được từ 100 đến 300m đường nông thôn. Theo Giám đốc Sở GTVT Phú Yên Nguyễn Thành Trí, để hoàn thành đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn theo chủ trương của tỉnh, trong thời gian tới các sở, ngành cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc những xã miền núi đặc biệt khó khăn đối với những tiêu chí thuộc trách nhiệm ngành mình quản lý. Qua đó có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các xã thuộc khu vực khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi khu vực 3.
Ông Biện Minh Tâm, Phóban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cho hay: “Đối với bê tông hóa giao thông nông thôn, kinh phí tỉnh hỗ trợ cho các xã theo quy định về công tác quản lý 2 triệu đồng/km, ngoài ra cấp huyện hỗ trợ bổsung cho các xã thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, bãi ngang ven biển về chi phí bốc xếp… Tuy nhiên, thời gian qua, một số nơi chậm hỗ trợ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn tại các địa phương”.
MẠNH HOÀI NAM