Nghị định 49/2014/NĐ-CP mới ban hành được mong đợi sẽ tạo ra một cơ chế hữu hiệu nhằm giúp các chủ sở hữu, các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên nắm bắt một cách trung thực, đầy đủ và toàn diện về thực trạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Có mặt trong hầu hết các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các DNNN đã khẳng định vai trò chủ đạo trong việc giúp Nhà nước thực hiện tốt chức năng điều tiết vĩ mô, khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường trong quá trình vận hành và quản lý nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy những tồn tại, yếu kém trong tổ chức quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, của các cơ quan quản lý các cấp và bản thân các tập đoàn, tổng công ty.
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành giám sát, kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu chế tài xử lý cụ thể và đủ mạnh; chưa bám sát những thay đổi trong cơ chế quản lý DN. Đồng thời, kể từ thời điểm Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra có hiệu lực, thì pháp luật hiện hành không có quy định về một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho hoạt động kiểm tra đối với DN nói chung và các DNNN nói riêng.
Việc ban hành Nghị định số 49/2014/NĐ-CP về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu cũng xuất phát từ những yêu cầu bức thiết trên.
DN có 50% vốn Nhà nước trở lên đều phải giám sát, kiểm tra
Nhằm tạo ra một cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra chặt chẽ, toàn diện và kịp thời, cũng như loại bỏ các nguy cơ gây thất thoát hoặc sử dụng sai vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư vào các DN, nghị định đã quy định đối tượng áp dụng là các DNNN (DN cấp 1), gồm:
Công ty TNHH một thành viên là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con; công ty TNHH một thành viên độc lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc Bbộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.
Công ty cổ phần, công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu vốn đầu tư vào DN.
Công ty TNHH, công ty cổ phần do các DN cấp 1 là chủ sở hữu vốn đầu tư vào DN và nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (DN cấp 2).
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu ủy quyền, phân cấp hoặc giao thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, kiểm soát viên, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn đầu tư vào DN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.
Giám sát “sức khỏe” DN gắn với trách nhiệm của chủ sở hữu
Hiện nay, do chưa có một văn bản quy định chung về vấn đề giám sát đối với DNNN, nên trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng có cách hiểu không thống nhất về khái niệm giám sát đối với DNNN. Để tránh tình trạng này, Nghị định 49/2014/NĐ-CP đã làm rõ, thế nào là “giám sát DNNN”, “kiểm tra DNNN”, “thanh tra DNNN”.
Theo đó, hoạt động giám sát DNNN là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục nhằm giúp chủ sở hữu, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm bắt một cách kịp thời, chính xác và trung thực về tình trạng “sức khỏe” của DN, để từ đó áp dụng các biện pháp quản lý, điều hành cho phù hợp và hạn chế sự can thiệp trực tiếp tới hoạt động của DN.
Nghị định đã quy định trách nhiệm giám sát theo hướng gắn chặt với thẩm quyền của chủ sở hữu DN hoặc chủ sở hữu phần vốn góp tại DN. Nội dung giám sát tập trung cả vào việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với DN. Hình thức giám sát phụ thuộc vào loại hình DN và tỉ lệ vốn chủ sở hữu Nhà nước.
Cụ thể, đối với DN cấp 1 mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chủ sở hữu thực hiện giám sát thông qua các hình thức, xem xét, tổng hợp, đánh giá báo cáo tự giám sát của DN, của kiểm soát viên; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến DN...
Đối với DN cấp 1 mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, chủ sở hữu thực hiện giám sát thông qua báo cáo của người đại diện tại DN và các hình thức giám sát như tổng hợp các kiến nghị, đánh giá, các kết luận kiểm tra, thanh tra; báo cáo giám sát, kiểm toán...
Đối với các DN cấp 2 thì DN cấp 1 và bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu của DN cấp 1 thực hiện giám sát thông qua báo cáo của người đại diện tại DN.
Kết quả của hoạt động giám sát là cơ sở giúp chủ sở hữu và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm bắt, đánh giá đúng về thực trạng của DN để có những biện pháp giải quyết, chấn chỉnh kịp thời, giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Tương tự như vậy, đối với hoạt động kiểm tra, bộ trưởng bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc chấp hành pháp luật và thực hiện các quyết định của chủ sở hữu đối với các DN cấp 1 và DN cấp 2. Đồng thời, các DN cấp 1 có trách nhiệm tiến hành kiểm tra trong nội bộ DN, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với các DN cấp 2.
Quy định như trên sẽ giúp tránh tình trạng DN cấp 1 do thiếu trách nhiệm hoặc cố ý không kiểm soát chặt chẽ DN cấp 2 dẫn đến thua lỗ và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển, bảo toàn vốn Nhà nước tại chính DN cấp 1.
Kết quả của hoạt động kiểm tra sẽ giúp chủ sở hữu và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để chấn chỉnh và khắc phục những khó khăn, vướng mắc của DN; yêu cầu DN đưa ra các giải pháp hoặc thực hiện các giải pháp khắc phục.
Khắc phục sự chồng chéo trong thanh tra DN
Trong số các công cụ quản lý của chủ sở hữu đối với DN thì thanh tra DN được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu, toàn diện nhất trong việc xem xét, đánh giá và xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với DN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu. Nhằm mục đích bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại các DN, trách nhiệm thanh tra thuộc về các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh và các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Nghị định 49/2014/NĐ-CP đã quy định rất rõ trách nhiệm của từng cấp thanh tra, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền trong hoạt động thanh tra đối với DN, một trong những vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng đến hoạt động của DN hiện nay.
Đồng thời, Nghị định đã có quy định về tần suất thanh tra tối thiểu. Theo đó, đối với lĩnh vực đầu tư hoặc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào DN thì căn cứ vào kết quả giám sát, kiểm tra, bộ quản lý ngành là chủ sở hữu của DN có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu tối thiểu 2 năm/lần đối với DN thuộc thẩm quyền.
UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu của DN có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu tối thiểu 1 năm/lần đối với DN thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch tỉnh có thể thanh tra DN cấp bộ đóng tại địa bàn
Một điểm mới đáng chú ý của Nghị định so với các quy định trước đây về giám sát, kiểm tra, thanh tra DN đó là việc, trong trường hợp bộ quản lý ngành không tuân thủ quy định về tần suất thanh tra hoặc khi phát hiện DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của DN có quyền ra quyết định thanh tra về nội dung theo thẩm quyền quản lý của UBND cùng cấp đối với DN thuộc thẩm quyền của bộ quản lý ngành.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định thanh tra và gửi quyết định thanh tra cho Bộ quản lý ngành để phối hợp. Đồng thời, căn cứ vào các quy định hiện hành thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các DN đóng trên địa bàn và có quyền ra quyết định thanh tra về các nội dung thuộc phạm vi quản lý của UBND cùng cấp.
Ngoài ra, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra DN, nghị định quy định cụ thể các hình thức xử lý vi phạm đối với người quản lý DN, người đại diện vốn Nhà nước tại DN.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được giao giám sát, kiểm tra DN nếu có hành vi vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ; người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra nếu thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện những sai phạm của DN dẫn đến thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Với những quan điểm đổi mới mạnh mẽ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN, Nghị định 49/2014/NĐ-CP được mong đợi sẽ tạo ra một cơ chế hữu hiệu nhằm giúp các chủ sở hữu, các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên nắm bắt một cách trung thực, đầy đủ và toàn diện về thực trạng hoạt động kinh doanh để qua đó áp dụng các biện pháp, chính sách quản lý phù hợp, cũng như nhằm phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm có thể xảy ra trong hoạt động của các DNNN.
Theo Chinhphu.vn