Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị 01 về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong ngành xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng với người lao động theo mẫu quy định; trong hợp đồng ghi đầy đủ, rõ ràng các nội dung về bảo hộ, an toàn và vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động đảm bảo chất lượng, phù hợp với công việc của từng người. Các đơn vị sử dụng lao động phải huấn luyện cho nhân công các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trước khi giao việc; có sổ theo dõi công tác huấn luyện, nhật ký công tác an toàn lao động, sổ theo dõi cấp phương tiện bảo hộ cá nhân và được ghi chép chặt chẽ, hàng ngày tại công trình đang thi công… Riêng người lao động phải đảm bảo đã qua đào tạo nghề, có sức khỏe và thể lực phù hợp với từng công việc cụ thể, đặc biệt khi làm việc trên cao, công việc nặng nhọc; trong khi làm việc phải sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động theo quy định...
Quy định đã có nhưng trên thực tế các vấn đề nêu trên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện hầu hết người lao động trong ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh không hề sử dụng đồ bảo hộ khi làm việc. Nguy hiểm hơn là tại các công trình xây dựng nhà cao tầng, người lao động phải “treo mình” trên giàn giáo cao hơn chục mét (tính từ mặt đất), được dựng tạm bằng các cọc gỗ và kê ván để đi lại mà không được trang bị bất kỳ phương tiện bảo hộ tối thiểu nào. Điều đáng nói là không chỉ các đơn vị sử dụng lao động không quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động mà những người thợ trực tiếp làm việc cũng rất chủ quan và xem nhẹ. Anh Đinh Tấn Hùng đang làm thợ xây tại phường 9 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Mọi người làm nghề này không ai có đồ bảo hộ lao động. Vả lại chúng tôi cũng đã quen rồi, có thêm đồ bảo hộ chỉ càng thêm vướng”. Còn ông Thành, chủ thầu xây dựng một ngôi nhà 3 tầng ở TP Tuy Hòa cho hay: “Khi thầu công xây dựng một ngôi nhà, tôi phải tính toán chi phí rất kỹ, những khoản nào có thể cắt giảm thì phải cắt giảm để hạ giá thầu mới đủ sức cạnh tranh. Việc đưa kinh phí trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân vào giá thầu là không thể được vì sẽ đội giá lên cao, chủ nhà không chấp nhận”.
Hiện phần lớn công nhân đang làm việc tại các công trình xây dựng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động tự do, làm việc thời vụ nên hiểu biết còn hạn chế. Hầu hết người lao động khi tham gia xây dựng công trình gần như không có hợp đồng lao động, các chế độ bảo hiểm… Họ chủ yếu tự thỏa thuận với chủ thầu công trình, chỉ cần đảm bảo trả đủ lương là được. Chính vì vậy, hàng năm, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng vẫn xảy ra. Khi có sự cố thì người bị nạn và đơn vị sử dụng lao động thường tự thỏa thuận mức bồi thường, hỗ trợ; rất ít vụ được báo cáo với cơ quan chức năng. Điều này gây nên tâm lý chủ quan cho các đơn vị sử dụng lao động trong vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Theo ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Sở Xây dựng, hàng năm, sở đều chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động… Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng thường xuyên kiểm tra công tác này trên công trường để kịp thời chấn chỉnh, đốc thúc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công chấp hành nội quy, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động khi làm việc tại các công trình.
Theo Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, trong năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ tai nạn lao động; trong đó, lĩnh vực xây dựng - công nghiệp chiếm hơn 80%. |
THỦY TIÊN