Nhiều nhà sách trong tỉnh đang nhập hàng, chuẩn bị cung cấp cho học sinh trong năm học mới. Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh mặt hàng này còn nhiều khó khăn.
Hiện các cửa hàng, nhà sách trên địa bàn tỉnh khẩn trương nhập hàng nhằm bảo đảm có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập... cung cấp kịp thời cho học sinh, sinh viên bước vào năm học 2014-2015. Vừa mới nghỉ hè nhưng nhiều phụ huynh đã đến các cửa hàng, nhà sách mua đồ dùng học tập cho con em mình. Tuy nhiên, điều mà họ quan tâm là sách, vở, đồ dùng có đạt chất lượng hay không? Anh Trần Văn Chánh ở thị trấn Hòa Vinh (Đông Hòa) nói: Để tránh mua phải sách giáo khoa kém chất lượng, tôi thường đến các nhà sách có uy tín để mua nhưng thật khó nhận biết đâu là sách bảo đảm chất lượng. Còn chị Bùi Minh Hà ở phường 4 (TP Tuy Hòa) thì cho biết: Tháng trước, tôi có mua 1 quyển sách tham khảo với giá 17.000 đồng của một phụ nữ bán dạo trên đường Duy Tân. Khi xem, tôi phát hiện cuốn sách bị mất một số trang, giấy in hẩm màu, nét chữ mờ nhạt. Tuy có địa chỉ sản xuất hẳn hoi nhưng tôi nghi cuốn sách này đã bị sao chép.
Theo bà Đặng Thị Diễm, Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Phú Yên, cách để nhận biết sách có đảm bảo chất lượng hay không là căn cứ vào màu sắc trang bìa, chất lượng giấy bên trong. Nếu sách bị mất trang, xê dịch dòng chữ, màu mực in bị nhòe… là những sách in lậu, giá thấp hơn nhiều so với giá của nhà xuất bản. Thời gian gần đây, tình trạng mua bán sách loại này diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) tiến hành kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh sách giáo khoa và thiết bị trường học tại TP Tuy Hòa. Kết quả, nhiều điểm bán, nhà sách thiếu hóa đơn, chứng từ nhập hàng đối với một số loại sách, vở bài tập phục vụ cho cấp tiểu học và THCS; nhiều thiết bị, đồ dùng học tập nhập từ nước ngoài nhưng không kèm nhãn phụ của Việt Nam...
Ông Trần Quang Thái, chủ một điểm kinh doanh sách, thiết bị trường học trên đường Phạm Hồng Thái (TP Tuy Hòa) cho biết: Ngoài lượng sách, đồ dùng học tập do Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Phú Yên cung cấp thì nhà sách còn nhập hàng từ một số đơn vị ở TP Hồ Chí Minh để bán lẻ cho người dân, bỏ sỉ cho các nhà sách ở huyện. Vì chúng tôi mua ít nên những công ty này thường gom nhiều đợt rồi mới xuất hóa đơn 1 lần; do đó nhà sách không đủ hóa đơn để trình cho cơ quan chức năng tại thời điểm kiểm tra. Còn theo bà Lê Thị Bé, chủ Nhà sách Hùng Vương (đường Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa) thì nhà sách của bà nhập hàng từ những đơn vị uy tín; những loại hàng nhập từ nước ngoài cũng đều do các đơn vị này phân phối lại chứ nhà sách không trực tiếp nhập hàng. Còn nhãn phụ thì ngay từ khi nhận hàng đã không thấy rồi.
Bà Đặng Thị Diễm cho biết thêm: Nhằm ổn định thị trường, chống việc phát hành trái tuyến, bảo đảm kế hoạch in, xuất bản, phát hành sách, hàng năm, mỗi tỉnh đều có 1 đơn vị đảm nhận phát hành. Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Phú Yên là đơn vị thực hiện việc này cho các nhà sách, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Sách, thiết bị đều do Nhà xuất bản Giáo Dục cung cấp và được mua đúng hệ thống nên khách hàng có thể yên tâm về chất lượng. Tuy nhiên, do có nhiều loại sách nên việc kiểm soát, quản lý sách in lậu, bán trôi nổi… phải xuất phát từ khâu in ấn, cấp tem. Trên thực tế, phần lớn sách được bán ra thị trường đều có tem, có địa chỉ xuất bản nên khó nhận định, đánh giá. Nếu các đơn vị quản lý chặt thì không có tình trạng bán sách sao chép.
Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Huỳnh Công Điềm cho biết: Hàng năm, chi cục đều phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc kinh doanh mặt hàng sách, thiết bị trường học, tập trung vào việc sử dụng hóa đơn, chứng từ nhập hàng, giấy đăng ký kinh doanh… Tuy nhiên, công tác này cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, khách hàng… để việc triển khai chặt chẽ hơn, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
VÕ PHÊ