Thời gian qua, Chương trình Bình ổn giá và Đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp ổn định tình hình mua bán hàng hóa tại địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện cần quan tâm tích cực hơn nữa để ngày càng có nhiều người được hưởng lợi.
HIỆU QUẢ THIẾT THỰC
Trong thời gian qua, Chương trình Bình ổn giá và Đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần ổn định thị trường, tác dụng tích cực đến công tác quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu người dân. Theo Sở Công thương, trong năm 2013, đơn vị này đã tổ chức 11 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; nhiều doanh nghiệp cũng đã thực hiện bán hàng lưu động ở những khu vực vùng sâu, vùng xa của các huyện nhằm cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh với giá hợp lý. Hàng hóa đều có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nên đã thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. Chương trình Bình ổn giá và Đưa hàng Việt về nông thôn đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Bà Nguyễn Thị Mỹ ở thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) cho biết: Qua những đợt bán hàng bình ổn giá, người dân được mua các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ hơn thị trường từ 5 đến 10%. Hàng hóa được bán đều do những cơ sở trong nước sản xuất, có xuất xứ rõ ràng nên chúng tôi không lo mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Chị Lê Thị Lài ở huyện Sơn Hòa phấn khởi bày tỏ: Nhờ các doanh nghiệp bán hàng lưu động mà nhiều người dân ở cách xa trung tâm huyện và TP Tuy Hòa vẫn mua được hàng Việt với chất lượng đảm bảo. Tôi hy vọng chương trình này sẽ thực hiện liên tục để mọi người có thêm cơ hội mua hàng.
Ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp còn sử dụng nguồn vốn của mình để thực hiện chương trình này. Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, một trong những đơn vị tích cực thực hiện chương trình này cho biết: Chương trình bình ổn giá luôn được siêu thị thực hiện xuyên suốt trong năm. Thông qua chương trình, đơn vị đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía khách hàng. Quan trọng hơn là hàng Việt chất lượng cao được đưa đến tận tay người tiêu dùng. Đây là điều kiện để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường và dần thay thế hàng ngoại nhập.
CẦN THÊM NHIỀU DOANH NGHIỆP THAM GIA
Theo nhiều người dân, các đơn vị thực hiện chương trình này nên xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại các địa phương. Hiện Sở Công thương đang tiến hành rà soát, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn để chọn ra doanh nghiệp đủ điều kiện và thực hiện tạm ứng vốn để dự trữ hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương, để đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá, vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trong năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. 6 nhóm hàng hóa thiết yếu tập trung bình ổn giá gồm: Gạo các loại, thịt heo, thịt gia cầm, đường, dầu ăn, rau củ quả. Dự kiến kinh phí thực hiện là 20 tỉ đồng; thời gian ứng vốn để chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán ra các mặt hàng bình ổn giá từ tháng 11/2014 đến hết tháng 3/2015. Theo quy định, giá bán hàng bình ổn phải thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5% đến 10%. Các doanh nghiệp tham gia chương trình này phải bảo đảm 6 tiêu chí gồm: Có quy mô kinh doanh lớn; lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn và xuyên suốt trong thời gian thực hiện; phương án tổ chức kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển mạng lưới bán lẻ đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hóa… Ngoài ra, UBND tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong tỉnh tham gia chương trình này nhưng không tạm ứng vốn ngân sách để mở rộng thị trường bình ổn giá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải chấp hành các quy định về đăng ký giá, treo biển nhận diện gian hàng bình ổn giá… như các doanh nghiệp được tạm ứng vốn của tỉnh.
KHANG ANH