Trong khi việc sửa chữa các điểm bị sụt lún trên Quốc lộ IA qua dốc Vườn Xoài (An Dân, Tuy An) không đạt tiến độ đề ra vì vướng giải phóng mặt bằng, thì điểm xói lở taluy ở phía nam cầu Đà Rằng (cũ) cũng lâm vào tình trạng tương tự vì chưa ngã ngũ chuyện khai thác cát để chỉnh dòng.
Cục Đường bộ Việt
Đóng các cọc bê tông công trình kè gia cố chống xói đường dẫn phía nam cầu Đà Rằng cũ. Công trình này bị chậm do chưa có sự thống nhất việc khai thác cát chuyển dòng chảy – Ảnh: HOÀI TRUNG
DỐC VƯỜN XOÀI: VƯỚNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Điểm sụt lún đoạn qua dốc Vườn Xoài (thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An) có yêu cầu về tiến độ cấp bách nhất. Cuối năm 2006, công trình được Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Quảng Nam và Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ Phú Yên triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 năm nay. Thế nhưng, hiện mặt bằng thi công tại km1296+050 vẫn còn bị vướng khu đất của gia đình ông Lê Đình Kháng. Khu đất này có diện tích gần 146m2 được Ban giải phóng mặt bằng huyện Tuy An xác định là đất vườn nên giải quyết bồi thường 1,9 triệu đồng. Trong khi đó gia đình ông Kháng lại cho rằng đây là đất thổ cư được mua lại của ông Lê Hùng Tạo từ năm 2002 nên việc đền bù chưa thỏa đáng. Chính vì thế, ông Kháng không chịu nhận tiền, đồng thời có hành động cản trở đơn vị thi công. Do vậy, hiện việc thi công tuyến đường tránh để khắc phục điểm sụt lún này gần như ngưng trệ. Trong khi đó, đây lại là điểm sụt lún nặng nhất với chiều dài mặt đường bị hư hỏng trên 120 mét, giải pháp kỹ thuật lại rất phức tạp. Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên và chủ đầu tư công trình là Khu quản lý đường bộ 5 đã nhiều lần đề nghị tỉnh Phú Yên sớm giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo đơn vị thi công, nếu mặt bằng thi công không sớm được giải tỏa, thì mùa mưa đến hậu quả sẽ khó lường. Tại các điểm này có một lượng rất lớn nước ngầm tạo ra sụt lún, nếu không được xử lý kịp thời, mùa mưa năm nay sẽ lại tắc đường.
CHỐNG XÓI ĐƯỜNG DẪN PHÍA
Công trình kè gia cố chống xói đường dẫn phía nam cầu Đà Rằng cũ cũng do Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên thi công, theo kế hoạch đến nay đã phải hoàn thành. Thế nhưng, hiện nhà thầu chỉ mới đóng xong hai hàng cọc bê tông cốt thép theo suốt chiều dài trên 100 mét của điểm sạt lở đã phải dừng lại. Ngoài nguyên nhân một phần do đơn vị thi công gặp trục trặc khi vận hành thiết bị đóng cọc, vướng mắc chính là việc khai thác cát phục vụ công trình. Theo thiết kế kỹ thuật đã được duyệt, công trình này cần khai thác khoảng 10.000m3 cát tại một bãi bồi gần đó để lấp vào hố xói, đồng thời nắn dòng chảy của sông Đà Rằng để nước không xói vào vị trí sạt lở. Thế nhưng, các cơ quan chức năng của Phú Yên chỉ cho phép đơn vị thi công khai thác cát ở vị trí cách chân công trình 300 mét đúng theo các quy định hiện hành. Chính vì thế, Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ Phú Yên đã giảm tiến độ để chờ ý kiến của chủ đầu tư. Một cán bộ kỹ thuật của công ty này cho biết, mục tiêu của dự án là chống xói đoạn đường dẫn phía nam cầu Đà Rằng cũ. Do vậy, ngoài việc xây dựng kè chống xói tại vị trí nói trên cũng cần phải chỉnh dòng nên khai thác cát tại bãi bồi đối diện chân công trình là cần thiết nếu không nước sẽ tiếp tục xói các chỗ khác. Tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, mặc dù đã có cuộc họp để giải quyết vấn đề này. Vụ việc vẫn “dùng dằng” chưa ngã ngũ, trong khi công trình đang rất cần được hoàn thành trước mùa mưa năm nay.
HOÀI TRUNG