Thứ Ba, 26/11/2024 06:49 SA
Kinh doanh máy, thiết bị và dịch vụ điện thoại di động:
Siêu lợi nhuận, siêu... trốn thuế!
Chủ Nhật, 15/04/2007 07:00 SA

Kinh doanh điện thoại di động và những dịch vụ kèm theo hiện là mảnh đất màu mỡ. Các hộ cá thể và doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này có không ít đã làm giàu từ  mua bán hàng “xách tay”, hàng giả, hàng lên đời và bán sim, card không xuất hoá đơn.

 

070414-dien-thoai.jpg

Khách hàng đến với các cửa hàng điện thoại di động ngày càng nhiều. - Ảnh: Đ.NGUYÊN

Trong 3 tháng đầu năm 2007, 24 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH kinh doanh máy móc, thiết bị và dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt doanh số gần 13 tỉ đồng, số thuế phát sinh dương phải nộp vào ngân sách hơn 30 triệu đồng. 55 hộ cá thể kinh doanh lĩnh vực này có doanh số 1,78 tỉ đồng, nộp ngân sách 47,9 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế mà các DN, hộ cá thể thực hiện. Một chủ cửa hàng điện thoại di động tiết lộ: Chỉ cần bán được 2, 3 chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) đã chi tiêu cho cả gia đình trong tháng, đó là chưa kể sửa máy, mua máy cũ bán máy mới, bán sim, card… và khẳng định “đây là một trong những lĩnh vực siêu lợi nhuận”.

 

NGÀNH CHỨC NĂNG GẶP KHÓ KHĂN

 

TRỐN THUẾ LẠI ĐÒI HOÀN THUẾ!

 

Chuyện hi hữu này vừa xảy ra trên địa bàn TP Tuy Hòa. DN kinh doanh ĐTDĐ T.V. nằm  trên đường Nguyễn Huệ bỗng đề nghị Chi cục Thuế TP Tuy Hoà hoàn thuế từ tháng 7 đến tháng 10/2006. Số thuế yêu cầu được hoàn là trên 61 triệu đồng. Sau khi kiểm tra, ngoài việc bác đề nghị hoàn thuế, Chi cục Thuế TP Tuy Hoà còn ra quyết định truy thu và phạt DN này 35,8 triệu đồng. Lý do là T.V đã có hành vi mua bán bỏ ngoài sổ sách kế toán (khai man trốn thuế) số lượng hàng hoá trị giá 400 triệu đồng. Mua vào nhiều, kê khai ít, bán ra thì không xuất hoá đơn đã được xác minh cụ thể, thuế truy thu là 13,4 triệu đồng và phạt thêm 22,4 triệu đồng theo quy định. Nếu không đề nghị hoàn thuế, DN T.V có thể “giấu” số âm thuế đó và khấu trừ dần vào các khoản thuế phải nộp sau.

 

Phó chi cục trưởng Chi cục thuế TP Tuy Hoà Hoàng Hữu Tịnh xác định: “Đây chỉ là số kiểm tra được, con số không kiểm tra được của tất cả các DN, hộ cá thể trên địa bàn là rất lớn, nghĩa là thất thu thuế trong lĩnh vực này rất cao”.

Các ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý mua bán máy ĐTDĐ và các dịch vụ kèm theo vì rất khó xác định xuất xứ và số lượng mua vào, bán ra của các DN. Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Tuy Hoà Võ Thành Hưng cho hay: “Hầu hết ĐTDĐ trên thị trường là hàng “xách tay”, hàng giả nên không thể đánh giá được số lượng máy móc, thiết bị bán ra thực tế, doanh số được báo chỉ là số “ma”. Người sử dụng thường chỉ mua máy có tem FPT khi máy có giá trị lớn. Các dòng máy ngoài luồng thường được bán với giá chỉ 1/3 – 1/2 so với cùng chủng loại có thuế nhập khẩu. Đặc biệt là card điện thoại trả trước, mua máy cũ bán máy mới, có DN bán ra hàng tỉ đồng nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế, không kê khai đầu vào, không xuất hoá đơn đầu ra nên thuế cũng… không nộp, ngành thuế không có cơ sở đối chiếu”.

 

Ngoài thất thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, ngành thuế còn chịu tổn thất thuế thu nhập DN.

 

Theo ông Phan Ngọc Trang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên: “Thị trường ĐTDĐ rất khó kiểm soát vì nằm ngoài 17 mặt hàng dán tem theo quy định. Điện thoại “xách tay” thật có chất lượng ngang bằng máy nhập khẩu chính thức vì là hàng chính hãng, tuy nhiên hiện nay máy “xách tay” đúng nghĩa không nhiều, chủ yếu là máy giả từ Trung Quốc hoặc máy “lên đời” có chất lượng thấp. Các loại máy mới như N93, N91… được nhập khẩu hiện có giá trên 10 triệu đồng thì máy giả loại này chỉ có giá 1,5 triệu đồng, nhưng các DN bán ra với giá cao hơn nhiều.

 

TẠI... KHÁCH HÀNG?

 

Năm 2006, tổng doanh số của 28 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và 53 hộ cá thể kinh doanh máy móc thiết bị, dịch vụ viễn thông trên toàn tỉnh báo cho ngành thuế đạt 36,664 tỷ đồng. Qua đó, đóng góp vào ngân sách hơn 229,9 triệu đồng. Trong số này, các doanh nghiệp chỉ nộp 63,9 triệu đồng; các hộ cá thể nộp 166 triệu.

Trong vai người mua ĐTDĐ, tôi vòng qua các cửa hàng tại TP Tuy Hòa và thấy rằng rất nhiều nơi bán máy không tem nhãn. Tại cửa hàng T.L., tôi hỏi máy Samsung D500-20, chủ nhân liền báo giá 3,1 triệu đồng. Khi tôi đòi máy có nhãn thì người bán đòi 3,6 triệu đồng”. Rõ ràng việc mua bán máy lậu là rất công khai khi chủ cửa hàng báo “giá lậu” trước. Tại sao vậy? Các cơ quan chức năng cho biết vì ĐTDĐ, sim, card… rất nhỏ gọn, dễ vận chuyển bằng nhiều hình thức nên khó kiểm soát.

 

Tất cả những người sử dụng ĐTDĐ tôi hỏi đều trả lời không có nhu cầu và “ngại” khi yêu cầu xuất hoá đơn mua máy, sim, card và thiết bị điện thoại di động vì chỉ sử dụng cá nhân, không được ai thanh toán lại; hoặc vì sợ bị rắc rối khi máy có vấn đề cần chỉnh sửa, thay đổi.

 

Hiện tại, chỉ có Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel có công ty con chính thức tại Phú Yên, việc mua bán sim, card của các tập đoàn khác vẫn theo hình thức phân phối đa cấp từ một công ty làm tổng đại lý. Vì thế, việc trốn thuế càng dễ được thực hiện.

 

Theo chúng tôi, chính người tiêu dùng đã đóng góp vào ngân sách một khoản tiền từ việc mua máy, sử dụng dịch vụ, nhưng vẫn chấp nhận để DN chiếm giữ nó là điều không nên.

 

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek