Các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả đang khẩn trương di dời vào khu tái định cư thuộc thôn Hảo Sơn Nam, xã Hòa Xuân Nam (Đông Hòa). Ai cũng phấn khởi vì có được một nơi ở mới với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, khang trang, góp phần giúp cuộc sống của người dân tốt hơn.
Những ngày này, không khí ở khu tái định cư dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả rất nhộn nhịp. Dọc theo các con đường lớn trải nhựa phẳng lỳ, hàng chục ngôi nhà được triển khai xây dựng, trong đó có cả những nhà mái bằng với kiến trúc đẹp. Một số hộ dân cũng đã kịp hoàn thành công trình để về nhà mới từ tháng 3 âm lịch. Trong căn nhà mới khang trang, mái ngói đỏ tươi, tường lăn sơn nước, nền lát gạch men, ông Nguyễn Lâm (SN 1966) phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà lụp xụp cạnh quốc lộ 1, gần ngã ba vô đập Hàn, thu nhập chủ yếu nhờ 4 sào ruộng; hết vụ thì đi đốt than, hái củi đắp đổi qua ngày. Nhờ có dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả, gia đình tôi được đền bù 184 triệu đồng, nhận được 1 lô đất tái định cư rộng 172m2với chiều ngang 8m. Tôi xây nhà mới hết 85 triệu đồng trên một nửa diện tích được bố trí, phần còn lại cho con trai cất nhà ở riêng. Từ hôm về nhà mới đến nay, cả nhà rất vui, nhiều đêm không ngủ được. Về khu tái định cư mà như được sống ở thành phố, đường nhựa rộng lớn, điện đường sáng trưng, chợ búa, nhà trẻ, trường học ở ngay cạnh nhà rất tiện cho sinh hoạt của mọi người. Thật là nằm mơ cũng không có được!
Gần nhà ông Lâm là nhà anh Nguyễn Văn Trọng (sinh năm 1981) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Căn nhà của anh Trọng có kiến trúc lạ với khu vệ sinh, giếng nước khoan đầy đủ. Anh Trọng cho biết, gia đình anh được đền bù 290 triệu đồng, xây nhà chỉ mất khoảng 50 triệu đồng (nhờ tận dụng vật liệu của nhà cũ). Tiền còn dư, anh mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt và đầu tư kinh doanh hàng điện, điện tử. Theo anh Trọng, khi còn làm công nhân ở miền Nam, vợ chồng anh đã được ở một số khu dân cư nhưng chưa có nơi nào bài bản như ở đây. Điện, nước, trường học, nhà văn hóa, công viên, cây xanh... đầy đủ nên cuộc sống của những hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả sẽ tốt hơn so với nơi ở cũ. “Tại một khu vực xa xôi gần chân đèo Cả mà có được khu tái định cư được đầu tư như phố thị thì không vùng nông thôn nào bằng”, anh Trọng nói.
Hơn hẳn nơi ở cũ - đó là khẳng định của phần lớn các hộ dân được bố trí vào khu tái định cư dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả. Chính vì thế, gia đình nào cũng tranh thủ xây nhà mới khang trang nhờ vào số tiền được đền bù hỗ trợ. Nhà nào cũng có khu vệ sinh, giếng khoan; mặc dù nước bị nhiễm phèn nhưng các gia đình đều xây bể lọc để có nước dùng hợp vệ sinh. Giờ thì chưa có nhiều hộ dân về nhà mới nhưng chỉ vài tháng nữa thôi, nơi đây sẽ là một khu dân cư sầm uất dưới chân đèo Cả. Tuy nhiên, điều mà các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả mong muốn là nhà đầu tư nên sớm hỗ trợ tiền để người dân khoan giếng lấy nước dùng.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam Trần Văn Ngãi, khu tái định cư dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả được triển khai trên diện tích 10ha tại thôn Hảo Sơn Nam với tổng mức đầu tư 129 tỉ đồng, có thể bố trí tái định cư cho 160 hộ dân. Hiện 32 gia đình trong tổng số 75 trường hợp bị ảnh hưởng đã bốc thăm nhận đất, đang tiến hành xây nhà mới. Diện tích của các lô đất đều đủ cho các hộ xây nhà bài bản, thậm chí xây thêm nhà nữa để tách hộ cho con về sau. Xã cũng đã sắp xếp các ngành hàng kinh doanh cho bà con tại khu vực chợ mới, sắp tới sẽ vận động người dân tập trung về chợ trong khu tái định cư để buôn bán cho tiện. Chợ mới rất hiện đại, có đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy, cửa cuốn bảo vệ nên rất an toàn. Hiện người dân muốn được nhà đầu tư dự án trang bị thêm thùng đựng rác, xây lan can bảo vệ ở xung quanh khu tái định cư nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là vào mùa mưa bão.
VIỆT AN - THANH HOÀI