Vụ lúa đông xuân 2013-2014 gặp nhiều bất lợi do đầu vụ gặp mưa lũ, từ giữa đến cuối vụ nắng hạn kéo dài. Thế nhưng, nhờ vùng trọng điểm lúa của tỉnh được mùa nên năng suất bình quân vẫn đạt 70,2 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm trước 2,7 tạ/ha.
NĂNG SUẤT BÌNH QUÂN ĐẠT 70,2 TẠ/HA
Vụ đông xuân 2013-2014, TP Tuy Hòa gieo trồng 2.042ha với các giống lúa ML68 (chiếm 37,8%), ML213, ML214, ML216, ML20, PY1, PY2, PY3 (chiếm 27,5%); trong vụ có 80ha bị chuột, bọ trĩ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn gây hại. Bà Nguyễn Thị Mùi, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa cho biết: Từ đầu vụ, đơn vị phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật và các HTX thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh, dịch bệnh và hướng dẫn phòng trừ kịp thời nên hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh, dịch bệnh gây ra. Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa cũng chỉ đạo các HTX và bà con nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ nên đã hạn chế thiệt hại do bất lợi của thời tiết và dịch bệnh. Nhờ vậy, năng suất bình quân của vụ lúa đông xuân 2013-2014 ở TP Tuy Hòa đạt 82 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so vụ đông xuân 2012-2013. Những HTX có năng suất lúa đạt trên 80 tạ/ha là HTX Phường 5: 85,1 tạ/ha, Phường 8: 82,1 tạ/ha, Hòa Kiến 2: 80,3 tạ/ha, Hòa Kiến 3: 80,2 tạ/ha, Phường 9: 82,5tạ/ha.
Tại huyện Tây Hòa, đến nay, người dân đã thu hoạch xong 6.645ha. Năng suất bình quân đạt 72,7 tạ/ha, tăng 3,64 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong niên vụ này, Tây Hòa áp dụng nhiều mô hình sản xuất. Trong đó có mô hình sản xuất giống nông hộ với diện tích 42ha ở các xã Hòa Phong, Hòa Mỹ Đông, thị trấn Phú Thứ; sản xuất các loại giống ML48, TH6. Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 15,2ha ở xã Hòa Mỹ Tây, sản xuất loại giống ML48. Các mô hình khảo nghiệm giống lúa thuần japonika, diện tích 1.000m2; Hoa ưu, diện tích 1.000m2 tại xã Hòa Phú; giống OM4900, diện tích 2.500m2 tại xã Hòa Bình 1. Bên cạnh đó, huyện Tây Hòa còn vận động nhân dân sạ hàng diện tích 880ha, sử dụng giống cấp xác nhận để gieo sạ diện tích 2.422ha, diện tích lúa chất lượng cao 1.810,6ha. Các ngành chức năng của địa phương cũng hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp phòng, trừ dịch hại tổng hợp (IPM); dùng thuốc theo phương châm “4 đúng”, giảm thiểu thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, bảo vệ môi trường sinh thái. Các mô hình này cho năng suất từ 74 tạ/ha trở lên. Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Văn Tân cho hay: “Đầu vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật của đơn vị vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng”, áp dụng các phương pháp sạ hàng, sạ thưa hợp lý, thay đổi dần phương thức sạ lan, sạ dày nhằm giảm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, năng suất lúa toàn vụ tăng cao”.
Tại các vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh là huyện Phú Hòa, Đông Hòa, năng suất đạt từ 76 tạ/ha đến 78 tạ/ha. Còn với huyện miền núi Sơn Hòa, vụ đông xuân 2013-2014, địa phương đưa vào sản xuất 925ha, năng suất bình quân đạt 59 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, trong vụ có phát sinh một số sâu, bệnh hại như bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, sâu năn, bệnh đạo ôn lá… ở mức độ nhẹ. Phòng đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật hướng dẫn phòng, trừ kịp thời nên tình hình sâu bệnh được khống chế, không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
CHI PHÍ ĐẦU TƯ CAO
Ông Nguyễn Văn Thân ở xã An Nghiệp (Tuy An) vừa thu hoạch xong 3 sào lúa, năng suất 350kg/sào, cao hơn vụ đông xuân năm trước 50kg/sào. Tuy nhiên, do thời gian sinh trưởng của lúa kéo dài nên chi phí sản xuất năm nay tăng cao. Ông Thân cho biết: “Thông thường, khi lúa 45 ngày tuổi, tôi bón phân đón đòng. Năm nay, khi bón phân đợt cuối xong, thấy lúa ngả màu vàng mà cây chưa trổ nên gia đình phải bón thêm đợt phân nữa; tính ra đầu tư thêm gần 60.000 đồng/sào”. Còn bà Nguyễn Thị Tám ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) thì cho hay: Gia đình sản xuất 2 sào lúa, đầu vụ tôi mua 1 bao phân NPK (loại 50kg) và 10kg phân Kali. Khoảng 1 tuần sau khi bón phân lần cuối kết hợp Kali và NPK, tôi ra thăm đồng thấy lúa chưa trổ. Lá lúa xanh chuyển sang màu vàng, nên tôi phải bỏ ra gần 100.000 đồng mua thêm 10kg phân NPK, 5kg phân Kali bón thêm cho lúa.
Theo ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN-PTNT), vụ lúa đông xuân năm nay gặp thời tiết bất lợi ngày nắng, đêm lạnh, làm cho thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài thêm gần 10 ngày, vùng núi từ 15 đến 20 ngày. Vì vậy, mặc dù năng suất tăng nhưng chi phí đầu tư cũng cao hơn so với vụ trước.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Đến nay, nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch xong 26.854ha lúa đông xuân. Vụ lúa năm nay, 2 huyện Đồng Xuân, Tuy An gặp nắng hạn, làm mất trắng 265ha lúa. Tuy nhiên, nhờ vùng trọng điểm lúa được mùa nên năng suất lúa bình quân của tỉnh đạt 70,2 tạ/ha, cao hơn 2,7 tạ/ha; sản lượng đạt 188.640 tấn lúa, tăng hơn 7.020 tấn so với vụ đông xuân năm trước. Ngành chức năng đã dự báo tình hình sâu bệnh, hạn hán kịp thời, chính xác nên hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại. Tại nhiều địa phương, nông dân mạnh dạn đưa vào gieo sạ các loại giống lúa lai đạt năng suất từ 74 tạ/ha trở lên. Trong khâu thu hoạch, khoảng 80% diện tích được cơ giới hóa nên tỉ lệ lúa thất thoát giảm từ 12% xuống còn 9%. Hiện nông dân Phú Yên chuẩn bị gieo sạ lúa hè thu với diện tích khoảng 24.500ha.
MẠNH HOÀI NAM