Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đã có hiệu lực 3 năm nay, nhưng việc thực hiện luật còn những hạn chế. Nhiều NTD vẫn chưa nhận thức hết về quyền và nghĩa vụ của mình. Để thông tin đến bạn đọc những nội dung cơ bản của luật này, Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Phú Yên.
Bà Hòa cho biết, thời gian qua, người tiêu dùng Phú Yên chưa quan tâm đến thông tin sản phẩm, như: hạn sử dụng, nhà sản xuất, hóa đơn, chứng từ khi mua hàng hóa. Thậm chí, người tiêu dùng chưa quan tâm đến chế độ bảo hành sản phẩm; khi quyền lợi bị xâm hại, người tiêu dùng ngại khiếu nại, tố cáo nhà sản xuất…
* Thưa bà, NTD có những quyền và nghĩa vụ gì?
- NTD có 8 quyền cơ bản, đó là: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyền được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch; quyền tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả; quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật; và quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, NTD còn có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ. NTD phải thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của NTD.
* Bà có thể cho biết trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng và trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ cho NTD?
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của NTD và các biện pháp phòng ngừa. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ phải cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa; cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành; thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho NTD thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp. Bên thứ ba phải yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho NTD thông qua phương tiện truyền thông thì chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm thực hiện việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho NTD như trách nhiệm của bên thứ 3; xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối NTD; từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý nếu việc sử dụng có khả năng dẫn đến quấy rối NTD; ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối NTD theo yêu cầu của NTD hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
* Vậy bà cho biết phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ?
- Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua các hình thức: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Tuy nhiên, không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều NTD, lợi ích cộng đồng.
* Khi quyền lợi của NTD bị xâm hại thì có thể liên hệ với cơ quan nào để được hướng dẫn, giúp đỡ, thưa bà?
- Khi quyền lợi của NTD bị xâm hại thì người tiêu dùng liên hệ ngay đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Phú Yên để được tư vấn, giúp đỡ.
* Xin cảm ơn bà!
NGÔ XUÂN (thực hiện)