Mô hình cánh đồng mía mẫu sử dụng cơ giới được triển khai tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân với năng suất đạt gần 100 tấn/ha.
GIẢM CHI PHÍ
Niên vụ mía 2013-2014, tại xã Ea Ly (Sông Hinh), Ea Chà Rang (Sơn Hòa) và Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) mô hình cánh đồng mía mẫu sử dụng cơ giới hóa được triển khai, mỗi xã trình diễn 10ha. Theo đó, Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam hỗ trợ máy móc thiết bị thực hiện các khâu làm đất, trồng mía, làm cỏ, bón phân; Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina hỗ trợ 30% phân bón; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cung ứng giống và thu mua nguyên liệu vào cuối vụ.
Lâu nay, nông dân thường dùng trâu bò để làm đất và trồng hàng đơn giống mía cũ, mật độ trồng dày dẫn đến tốn công lao động. Khi áp dụng mô hình, người trồng sử dụng giống mía mới KK3, K95-156, K88-95 là những giống có năng suất, chữ đường cao. Mô hình áp dụng trồng hàng đôi, khoảng cách giữa 2 hàng từ 1,4 đến 1,6m, rất thuận lợi trong chăm sóc, làm cỏ, bón phân, từ đó cây mía sinh trưởng, phát triển, hạn chế được sâu bệnh hại. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, trong thời gian sinh trưởng, mía thuộc mô hình nhờ được bón phân và chăm sóc hợp lý nên phát triển đều, số lóng trên cây đạt từ 17 đến 20 lóng. Trong khi đó trồng mía theo cách truyền thống sâu bệnh hại nhiều, số lóng trên cây mía chỉ bằng 2/3 số lóng cây mía thuộc mô hình. Ông Huỳnh Thái Bình (xã Xuân Quang 1, Đồng Xuân) cho biết: “Lần đầu tiên áp dụng mô hình cánh đồng mía mẫu sử dụng cơ giới hóa, tôi thấy rất thuận lợi cho việc chăm sóc, làm cỏ, tiết kiệm được chi phí lao động. Cây mía phát triển tốt, to khỏe, không bị sâu bệnh và năng suất cao hơn so với ruộng mía đối chứng từ 15 đến 20 tấn/ha”.
Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên cho biết: Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp cây mía phát triển tốt, giảm chi phí đầu tư rõ rệt. Chỉ tính riêng khâu làm đất đã giảm 300.000 đồng/ha, còn công trồng mía, nếu như trước đây phải đầu tư 25 công/ha, thì nay giảm xuống chỉ còn 3 công (1 người lái máy và 2 người bỏ hom) nên tiết kiệm được trên 1,7 triệu đồng/ha. Ở khâu làm cỏ, bón phân do áp dụng kỹ thuật trồng hàng đôi nên việc đưa máy vào làm cỏ cũng như bón phân rất thuận tiện, góp phần giảm chi phí so với cách truyền thống gần 2,5 triệu đồng/ha.
NHỮNG CÁNH ĐỒNG MÍA 100 TẤN/HA
Cánh đồng mía mẫu của ông Nguyễn Trinh (xã Ea Ly, Sông Hinh), sử dụng giống K95-156 mới du nhập, xuống giống tháng 5/2013, áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ nên mía phát triển tốt. Mới đây, đến kỳ thu hoạch năng suất đạt 112,6 tấn/ha. Còn ông Hà Châu Ánh (xã Ea Chà Rang, Sơn Hòa), chủ trang trại 52ha mía cao sản cho biết: “Muốn trồng mía có lãi phải áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn giống mía có năng suất cao và phù hợp thổ nhưỡng từng vùng đất. Ở đây chưa có hệ thống thủy lợi nên tôi đầu tư xe tải lắp đặt máy bơm “giải hạn” cho cây mía. Vụ này, tôi trồng giống mía KK3, năng suất đạt 115,2 tấn/ha”. Hay như mô hình cánh đồng mía mẫu của ông Lê Văn Chư (xã Ea Ly, Sông Hinh), được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư chọn làm nơi hội thảo đầu bờ để người dân quanh vùng tham quan học tập. Thời gian qua, vùng đất này không có nước tưới nhưng năng suất mía vẫn đạt trên 92,4 tấn/ha. Nhiều người tham quan mô hình của ông Chư nhận định: Nếu thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, có hệ thống nước tưới thì sẽ có những cánh đồng mía trên 100 tấn/ha (hiện năng suất mía toàn tỉnh trung bình chỉ đạt 65 tấn/ha).
Mía mô hình cho lợi nhuận bình quân gần 62,3 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 18,5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nhiều nông dân lo ngại, chi phí đầu tư máy móc quá cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Vì vậy, thời gian đến Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn ban đầu giúp nông dân đầu tư mua máy và hướng dẫn sử dụng các loại máy này.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: “Sở NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan quy hoạch vùng sản xuất, nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tiếp tục là đầu mối gắn kết các ngân hàng, công ty, doanh nghiệp, hỗ trợ vốn cho nông dân và giúp tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững”.
LÊ TRÂM