Sau 1 năm triển khai, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo đã góp phần giải cơn “khát” vốn của đối tượng này. Đến nay, nhiều hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã làm ăn hiệu quả, từng bước thoát nghèo bền vững.
Hộ cận nghèo ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) được vay vốn phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: L.HẢO
ĐÒN BẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH
Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (VBSP Phú Yên), Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo có hiệu lực từ ngày 16/4/2013. Quyết định này được ban hành đã góp phần giải cơn “khát” vốn của hộ cận nghèo.
Bà Võ Thị Thu Thúy ở thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhà không có ruộng, cuộc sống rất khó khăn, ăn bữa nay phải lo bữa mai. Năm 2006, nhờ chính quyền, hội đoàn thể các cấp xem xét, chúng tôi được vay 5 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo của VBSP Phú Yên để nuôi bò. Sau 3 năm, gia đình trả đủ và được cho vay mới để tiếp tục làm ăn. Kinh tế cải thiện, chúng tôi thoát nghèo nhưng thu nhập vẫn rất bấp bênh”. Đến năm 2012, bà Thúy trả hết nợ và không thể vay mới vì không phải là đối tượng thụ hưởng. Trong lúc “khát vốn”, tháng 4/2013, chương trình cho vay hộ cận nghèo ra đời kịp thời nên bà làm hồ sơ, vay được 15 triệu đồng, mua 1 con bò nghé về nuôi, số còn lại thì đầu tư trồng rau, hoa. Từ ngày có vốn, bà Thúy đã yên tâm làm ăn và bắt đầu sắm sửa các vật dụng thiết yếu cho gia đình. Hàng tháng, bà còn gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của Hội Phụ nữ để không bị áp lực khi đến hạn trả nợ ngân hàng.
Cùng hoàn cảnh với gia đình bà Thúy, hộ chị Nguyễn Thị Kim Lan ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà (Sơn Hòa) cũng vừa mới thoát nghèo và thuộc diện cận nghèo. Thiếu vốn làm ăn, vợ chồng chị Lan phải đi chặt mía, cuốc cỏ mía thuê, tiền công “ba cọc ba đồng”, không đủ trang trải cuộc sống, chưa kể phải nuôi con đang tuổi ăn tuổi học. Chị Lan chia sẻ: “Từ ngày Nhà nước cho hộ cận nghèo vay, gia đình như “nắng hạn gặp mưa rào”. Có vốn, chúng tôi mua 1 con bò và đầu tư trồng 5 sào mía. Trong thời gian chăm sóc cây trồng, vật nuôi của gia đình, vợ chồng tôi vẫn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập”. Theo chị Lan, hiện giá phân bón, thức ăn gia súc ngày càng cao; kinh tế gia đình muốn phát triển hơn nữa thì phải cần thêm vốn nên người dân mong muốn ngân hàng nâng mức cho vay để họ mạnh dạn làm ăn.
HẠ LÃI SUẤT, NÂNG MỨC CHO VAY
Sau 1 năm triển khai, tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ cận nghèo tại VBSP Phú Yên đạt hơn 212,4 tỉ đồng với 11.905 hộ còn dư nợ; lũy kế từ đầu năm đến nay, ngân hàng này giải ngân hơn 80,4 tỉ đồng cho 4.130 hộ cận nghèo vay. Điều đặc biệt là dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng hiện dư nợ cho vay hộ cận nghèo chiếm tỉ trọng gần 12% tổng dư nợ, xấp xỉ dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và chỉ đứng sau chương trình cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên. Ông Đào Thái Hòa cho biết: Để làm được điều này, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15, VBSP Phú Yên đã chỉ đạo các phòng giao dịch điều tra, khảo sát số hộ cận nghèo trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu vay của người dân để xây dựng kế hoạch tín dụng phù hợp. Ngân hàng cũng tích cực tham mưu với chính quyền địa phương phân bổ chỉ tiêu, điều chuyển vốn giữa 2 chương trình cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo để đảm bảo nguồn vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, VBSP Phú Yên còn tập huấn cho các thành phần có liên quan; phối hợp với hội đoàn thể các cấp, ban giảm nghèo xã/phường/thị trấn, tổ TKVV đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tín dụng hộ cận nghèo, tham gia bình xét kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Theo ông Hòa, thời gian qua, việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo đã mang lại kết quả khả quan. Để đồng vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, chính quyền các cấp, các ngành liên quan cần định hướng, hướng dẫn hộ vay cách làm kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Các hội đoàn thể, ban giảm nghèo, tổ TKVV cũng phải tích cực kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; kịp thời bình xét cho những hộ khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình. “Tháng 10/2013, Chính phủ đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hộ cận nghèo từ 0,845%/tháng xuống còn 0,78%/tháng (tương đương 9,36% năm). Ngân hàng đang đề nghị Chính phủ nâng mức cho vay hộ cận nghèo lên tối đa 50 triệu đồng để đối tượng này có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh”, ông Hòa nói.
LÊ HẢO