Tại cuộc họp báo thường ký tháng 4 của Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 25/4, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp các thắc mắc của báo giới xung quanh vấn đề nợ xấu, xử lý nợ xấu do VAMC đã mua, tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay…
Nợ xấu vẫn ở mức cao. - Ảnh:
Nợ xấu lên tới 308.000 tỉ đồng
Tại buổi họp báo, ông Đào Quang Tính, Phó chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết đến hết tháng Hai, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng còn 122.000 tỉ đồng, chiếm 3,86%.
Tuy nhiên, đại diện Cơ quan giám sát cũng nói thêm do nền kinh tế còn khó khăn, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ, trong đó có số nợ khoảng 185.000 tỉ đồng nếu không được cơ cấu lại theo Quyết định 780 sẽ nằm trong nhóm nợ xấu. Cộng cả hai khoản này là 308.000 tỉ đồng, tương đương 9,71%. Do vậy, Cơ quan Thanh tra Giám sát xác định tỉ lệ nợ xấu đến cuối tháng 2/2014 là 9,71% trên tổng dư nợ.
Trước đó, tại hội thảo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cơ quan này cũng cho rằng con số nợ xấu của hệ thống khoảng 9%-10%, thay vì con số 15% của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's.
Cũng liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VAMC đã mua trên 45.000 tỉ đồng nợ xấu. Hiện Công ty đang tiến hành phân loại các khoản nợ xấu để đánh giá khoản nào cần tái cơ cấu, khoản nào bán, khoản nào thu hồi nợ.
Thời gian tới, VAMC tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng, xây dựng danh mục, dần hình thành thị trường thứ cấp để bán nợ xấu. Trước mắt phân loại tài sản liên quan tới bất động sản, khu công nghiệp, bệnh viện, chung cư… ở khu vực TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương.
Ông Hùng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp cùng với các bộ, ngành để xây dựng Thông tư xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, ông Hùng hy vọng VAMC có thể được trao thêm quyền để xử lý nợ hiệu quả nhất, nhanh nhất trong bối cảnh VAMC bán nợ, tài sản đảm bảo cho cả các tổ chức nước ngoài.
Ông Hùng lý giải, theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC, VAMC sẽ chỉ được tự bán các tài sản bảo đảm dưới 10 tỉ đồng. Với tài sản có giá trị trên 10 tỉ đồng, VAMC sẽ phải lựa chọn các đơn vị bán đấu giá chuyên nghiệp.
Tín dụng tăng 0,62%
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tính đến ngày 22/4, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Số liệu của Vụ Tín dụng cho hay, đến hết quý 1/2014, tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội) đạt 674.714 tỉ đồng, tăng khoảng 1,15% so với 31/12/2013. Còn với dư nợ cho vay đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 96.364 tỉ đồng, tăng 0,86% so với cuối năm 2013.
Cùng với đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 856.558 tỉ đồng, giảm 1,58% so với cuối năm 2013.
Tính đến 22/4, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,93% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,09%; thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng được bảo đảm.
Bà Hồng cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc toàn hệ thống giảm mức lãi suất cho vay cũ, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng, nỗ lực triển khai. Trước đó, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm. Tính đến ngày 3/4, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5,5%/năm tổng dư nợ cho vay VND, giảm mạnh so với tỉ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 16,62% tổng dự nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỉ trọng 31%/năm tháng 6/2013.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào một số chương trình tín dụng trọng điểm như triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đối với các mô hình liên kết, mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết sản phẩm. Cơ quan này cũng sẽ triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng lãi suất 5% trong thời hạn tối đa 10 năm phục vụ đóng vỏ tàu sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để ngư dân vươn khơi bám biển.
Theo Vietnam+