Liên bộ Tài Chính - Công thương vừa ban hành Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công.
Theo thông tư mới được ban hành, ngoài các nội dung chi hoạt động khuyến công đã được quy định trước đây thì các nội dung mới về: Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn và các cụm công nghiệp cũng sẽ được hưởng chính sách khuyến công.
Cũng theo thông tư này, hầu hết các nội dung chi từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đều có mức chi cao gấp đôi so với quy định cũ như: Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới sản xuất sản phẩm mới, mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 500 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở…
Đối với kinh phí khuyến công địa phương, nội dung và mức chi cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định tùy thuộc vào khả năng và điều kiện thực tế của địa phương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/4/2014 và thay thế Thông tư số 125/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 17/6/2009 của liên bộ: Tài chính - Công thương hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với Chương trình khuyến công.
NGÔ XUÂN (tổng hợp)