Thứ Sáu, 04/10/2024 14:32 CH
Doanh nghiệp Phú Yên vượt qua khủng hoảng để phát triển
Thứ Bảy, 05/04/2014 14:00 CH

Mới đây, trong buổi báo cáo chuyên đề “Doanh nghiệp Phú Yên vượt qua khủng hoảng để phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đây là thời điểm có nhiều thách thức nhưng cũng lắm cơ hội đang mở ra với doanh nghiệp Phú Yên. Báo Phú Yên lược ghi ý kiến này.

 

dn140405.jpg

Các doanh nghiệp dệt may Phú Yên có cơ hội phát triển khi Việt Nam gia nhập TPP - Ảnh: L.HẢO

NỀN KINH TẾ “ĐAU ỐM” KÉO DÀI

Thời gian qua, nền tảng kinh tế và cơ sở tăng trưởng ở Việt Nam rất yếu. 3/4 động lực tăng trưởng gồm khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và nông nghiệp bị “yếu ga”. Tín dụng, ngân sách nhà nước, đầu tư xã hội đều yếu. Tổng vốn đầu tư xã hội chỉ đạt 29% GDP, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,9% (so với 6,5% cùng kỳ năm 2012). Trong khi đầu tư nội địa giảm thì đầu tư nước ngoài lại tăng lên cho thấy lợi ích phát triển không đồng bộ. Nguyên nhân là do thể chế trói buộc khu vực kinh tế trong nước. Những chính sách của Việt Nam không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển, trong khi lại hỗ trợ cho khu vực đầu tư nước ngoài. Một số chính sách trong thời gian qua là nguyên nhân tạo ra lạm phát, khiến các doanh nghiệp trong nước phải vay với lãi suất cao. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài lại được vay với lãi suất thấp và ổn định 3-4%/năm. Doanh nghiệp Việt Nam đã “gầy còm”, “nhẹ cân thiếu tháng” lại phải “cõng” lãi suất hơn 20%/năm suốt mấy năm liền. Đến bây giờ, doanh nghiệp kiệt sức, lãi suất cho vay 10%/năm hoặc thấp hơn cũng không thể vay vốn. Vì vay để làm gì?

Từ sau đổi mới đến nay, đây là lần đầu tiên nền kinh tế khó khăn kéo dài và hiện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nền kinh tế có giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và công nghệ gia công, lắp ráp. Tăng trưởng “nóng”, đánh đổi với lạm phát. Các lực lượng chủ thể kinh tế bị “thiết kế” sai chức năng. Hệ thống thể chế thị trường không đồng bộ, môi trường kinh doanh méo mó. Kết cấu hạ tầng yếu kém… Hậu quả là tăng trưởng cao kéo dài nhưng không bền vững. Khi thời cơ và thách thức hội nhập cùng ập đến thì cơ may biến thành tai họa, vận hội trở thành nguy cơ. “Hiện nền kinh tế đang ở trong “vùng đáy” của tăng trưởng. Bình thường, mỗi khi nền kinh tế rơi

xuống hố thì sẽ nhanh chóng bật lên ngay. Thế nhưng lần này, do thể trạng yếu nên sau khi xuống đáy, bò lên, giữa chừng mệt quá, nền kinh tế lại tụt xuống. Vì vậy, theo tôi, chúng ta nên tạm thời để nền kinh tế nằm dưới đáy nghỉ vài năm, chờ sức khỏe hồi phục rồi mới tính đến chuyện tăng trưởng”, ông Thiên nói.

NHIỀU CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN

Trong kế hoạch 5 năm (2011-2015), Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5% đến 7%/năm. Tuy nhiên, không như những lần trước phải “cố sống cố chết” thực hiện mục tiêu đề ra, lần này, Đảng, Nhà nước xác định sẽ không tăng trưởng bằng mọi giá nên doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Phú Yên phải rất bình tĩnh. Trong 2 năm tới, doanh nghiệp không thể trông chờ Chính phủ “bơm” tiền để cứu nền kinh tế, việc tăng trưởng cũng sẽ không dễ dàng nhưng nhiều cơ hội đang mở ra. Trước hết là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đàm phán xin gia nhập. Hiện trong số 12 nước tham gia TPP, Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển thấp nhất nhưng có khả năng được hưởng lợi cao nhất, đặc biệt là đối với 2 ngành dệt may và nông nghiệp. Nguyên nhân là do các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam về 2 ngành này đã đứng ngoài “cuộc chơi” TPP. Khi vào TPP, các doanh nghiệp Việt sẽ được ưu đãi thuế quan nhưng những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật lại tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng được nếu tiếp tục duy trì cách sản xuất, kinh doanh như hiện nay. TPP là một cơ hội lớn nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi thế giới quan, thay đổi chính sách và luật chơi mới có thể tận dụng lợi thế, góp phần tăng trưởng nền kinh tế.

Ngoài TPP, hiện Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn, chuyển mạnh sang nông nghiệp công nghệ cao và sạch. “Nông nghiệp là vùng chiến lược trọng điểm quốc gia. Những mô hình thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã rất thành công. Điển hình như trường hợp doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đầu tư trồng mía công nghệ cao ở Lào, kiểm soát từ khâu giống, chăm sóc đến thu hoạch. Kết quả năng suất, sản lượng mía và chữ đường trong mía đều tăng. Nếu doanh nghiệp Phú Yên “chịu khó” tiếp cận khu vực này, bao gồm cả hoạt động sản xuất, chế biến, liên kết làm nông nghiệp công nghệ cao thì đây sẽ là hướng phát triển trong thời gian tới”.

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek