Thời tiết đang bắt đầu vào mùa nắng nóng, vật nuôi dễ bị suy kiệt sức khỏe, trong khi một số mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… có thể còn lưu cữu tại các ổ dịch cũ, nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi rất cao. Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y về vấn đề phòng chống dịch bệnh cho động vật trong mùa nắng nóng. Tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi để hạn chế dịch bệnh - Ảnh: T.TIÊN
* Xin ông cho biết, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay thì những loại dịch bệnh nào có khả năng phát sinh và lây nhiễm cho vật nuôi?
- Những ngày qua, nắng nóng gay gắt kéo dài, vật nuôi thường uống nhiều nước, ăn ít nên sức khỏe dễ bị suy giảm, dẫn đến sức đề kháng giảm. Trong khi đó, trên cả nước dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng (LMLM) vẫn đang xảy ra ở một số địa phương, vì vậy nguy cơ lây nhiễm bệnh trên đàn vật nuôi trong thời điểm hiện tại vẫn còn cao. Do nắng nóng kéo dài, một số loại dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan như: Tụ huyết trùng, loét da quoăn tai, tiêu chảy, LMLM ở trâu, bò; tụ huyết trùng, phó thương hàn, tả ở heo và các bệnh tụ huyết trùng, grumboro, ecoli, tả… ở gia cầm.
* Theo ông, những khu vực và đối tượng vật nuôi nào có nguy cơ dễ phát sinh dịch bệnh nhất?
- Tại các ổ dịch cũ đã từng phát sinh dịch bệnh thì mầm bệnh có khả năng còn lưu cữu trong môi trường nên những khu vực này có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao nhất. Ngoài ra, những nơi có mật độ chăn nuôi dày, đàn gia súc, gia cầm lớn, những khu vực giết mổ tập trung, chợ mua bán gia súc, gia cầm… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát dịch. Hiện nay, trên địa bàn Phú Yên thì các huyện Đông Hòa, Tuy An, Tây Hòa… là những địa phương đã từng xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên dễ phát sinh dịch bệnh.
Trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, những đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời hạn bảo hộ của vắc xin tiêm phòng; những đàn vật nuôi có sức khỏe yếu, mới nhập đàn là các đối tượng dễ bị nhiễm bệnh.
Kiểm soát vận chuyển động vật tại chốt kiểm dịch cầu Bình Phú (TX Sông Cầu) - Ảnh: T.TIÊN
* Ngành Thú y đã triển khai những biện pháp nào và gặp phải những khó khăn gì trong quá trình phòng chống dịch bệnh?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT, vừa qua, Chi cục Thú y đã triển khai tháng tiêu độc sát trùng trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, chi cục đã cấp 10.000 lít thuốc sát trùng cho các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời chỉ đạo các trạm Thú y phối hợp cùng các địa phương triển khai dọn vệ sinh, tiêu độc toàn bộ các khu vực chăn nuôi và vùng lân cận. Chi cục cũng vừa kết thúc đợt tiêm phòng vắc xin LMLM (đợt I/2014) với tỉ lệ đạt trên 89% tổng đàn và đang tiếp tục tiêm vét cho gia súc. Hiện nay, ngành Thú y cũng đang tăng cường theo dõi, giám sát đàn vật nuôi thông qua mạng lưới thú y cơ sở và chính quyền các địa phương để có thể phát hiện sớm nhất dịch bệnh và kịp thời dập dịch không để lây lan. Chi cục còn tăng cường kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn nhằm hạn chế việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật vào Phú Yên; cũng như không để xảy ra tình trạng mua, bán, giết mổ, tiêu thụ động vật bị nhiễm bệnh… Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người chăn nuôi bổ sung thức ăn thô xanh và các loại khoáng chất cho vật nuôi, xây dựng chuồng trại thông thoáng, đảm bảo tránh nắng cho vật nuôi. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ chăn nuôi vẫn rất chủ quan, chưa chú trọng tiêm phòng, nhất là các loại vắc xin ngoài chương trình hỗ trợ của Nhà nước như tụ huyết trùng, dịch tả…
* Ngành Thú y có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi?
- Một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất và lâu dài cho vật nuôi là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định cho vật nuôi. Bà con cũng phải chú trọng đến môi trường chăn nuôi, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, thường xuyên dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần quan tâm bổ sung các loại sinh tố vào trong nước uống hoặc thức ăn; tăng cường lượng rau xanh để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, người dân tại các huyện miền núi như Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân nên hạn chế cho gia súc đi ăn xa, vì việc chăn thả xa làm cho gia súc dễ bị suy kiệt sức khỏe…
Xin cảm ơn ông!
THỦY TIÊN