Theo đánh giá của Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), lượng chất thải nguy hại (CTNH) đang ngày càng nhiều. Trong khi đó, các cơ sở, doanh nghiệp xử lý CTNH chưa phát triển kịp thời cùng với sự gia tăng về số lượng các loại chất thải, do vậy, tỉ lệ chất thải độc hại này được xử lý còn rất hạn chế.
Ảnh minh họa: Internet
Thực tế cho thấy, việc quản lý và xử lý chất thải không an toàn, đặc biệt là các loại CTNH, đã để lại những hậu quả nặng nề về môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng như các điểm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, các bãi rác không hợp vệ sinh, các bãi đổ chất thải của các nhà máy sản xuất… Theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), hàng năm, lượng CTNH của cả nước ước tới 156.000 tấn. Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải. Vì vậy, tổng lượng CTNH được xử lý chỉ đạt khoảng 30%, số còn lại bị chôn lấp, đổ thải hoặc tái sử dụng một cách trái phép. Các hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm chỉ khoảng 10%
so với tình hình thực tế.
Đáng báo động, chính các đơn vị được giao trách nhiệm xử lý loại chất thải này lại là thủ phạm gây ô nhiễm nhiều nhất. Những doanh nghiệp này ký hợp đồng thu gom CTNH với các công ty để xử lý, nhưng sau đó lại không làm đúng chức năng của mình mà phần lớn chỉ mang chất thải nguy hại chôn dưới đất. Dù hiện nay trong khi CTNH trong nước chưa được xử lý đến nơi đến chốn, nhiều doanh nghiệp còn nhập CTNH vào Việt Nam bằng nhiều con đường, sau đó, chở đi bán kiếm lời khá cao.
Mặc dù thời gian qua, Bộ TN-MT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý CTNH, nhưng việc thực hiện các quy định pháp luật nêu trên tại một số địa phương và các đơn vị hành nghề quản lý CTNH còn nhiều hạn chế. Rất nhiều đơn vị chưa nắm bắt rõ, hoặc hiểu chưa đúng các quy định trong Thông tư 12 về quản lý CTNH, việc áp dụng quy chuẩn để phân định CTNH còn nhiều lúng túng.
Các chuyên gia nhận định, để thực sự đảm bảo công tác quản lý CTNH đạt yêu cầu, cần phát triển công nghệ xử lý CTNH tại Việt Nam cả về chất lượng và số lượng. Ngoài ra, cần nghiên cứu chuyên biệt hóa các công nghệ để xử lý các loại CTNH đặc thù. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các công nghệ đã được cấp phép hoạt động tuân thủ đúng quy định, đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
PHƯƠNG MINH (tổng hợp)