Sáng 2/4, tại TP Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị”. Đồng chí Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên và đồng chí Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chủ trì, cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ NN-PTNT, các chuyên gia lĩnh vực thủy sản, lãnh đạo và ngư dân các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận.
Nhiều ý kiến thảo luận tại diễn đàn Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị - Ảnh: A.NGỌC
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), khai thác cá ngừ đại dương được du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1994, tuy hình thành muộn nhưng tốc độ phát triển nghề này khá nhanh cả về số lượng tàu thuyền và trình độ công nghệ. Hiện tàu khai thác cá ngừ đại dương ở nước ta khoảng 3.500 chiếc với khoảng 35.000 ngư dân tham gia. Năm 2013, sản lượng cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to đạt hơn 15.900 tấn (Bình Định khoảng 8.500 tấn, Phú Yên 4.530, Khánh Hòa 2.900 tấn), sản lượng cá ngừ vằn khoảng 45.000 tấn. Trong những năm qua, sự liên kết chuỗi trong sản xuất cá ngừ còn lỏng lẻo, kém hiệu quả, chưa được kiểm soát và thiếu bền vững. Các giao dịch của chuỗi sản xuất cá ngừ đang có sự thay đổi ngược về giá trị sản phẩm, chưa có chiến lược trong chuỗi sản xuất đối với sản phẩm cá ngừ. Sản xuất cá ngừ mới chỉ quan tâm đến năng suất nhưng chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường để tăng giá trị sản phẩm. Trong mối liên kết của chuỗi sản phẩm cá ngừ, khâu khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và khâu thu mua, tiêu thụ cá ngừ sau khai thác là những khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm cá ngừ. Sự liên kết hiện nay không những không tạo nên mối liên kết hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng đến việc sụt giảm chất lượng, giá trị của sản phẩm…
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, các doanh nghiệp và ngư dân đã có nhiều ý kiến thảo luận xung quanh các vấn đề: Trang thiết bị, công nghệ hiện nay đối với các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương còn lạc hậu; dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển chưa tương xứng, các thiết bị phục vụ tìm kiếm ngư trường còn lạc hậu; việc sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, giá trị của sản phẩm bị giảm sút; xúc tiến thương mại ngành thủy sản chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao của cạnh tranh thương mại và hội nhập quốc tế; nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trình độ thấp, phần lớn chưa qua đào tạo; vấn đề vốn cho vay cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn; cần đầu xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá; chính sách bảo hiểm cho ngư dân hoạt động trên biển… Tổng cục Thủy sản cũng đưa ra những giải pháp như xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức có hiệu quả các chính sách nhằm phát triển ngành sản xuất cá ngừ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, bền vững; tăng cường năng lực quản lý nhà nước; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ và công tác khuyến ngư; tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại; phát huy vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp; huy động các nguồn lực phát triển ngành sản xuất cá ngừ…
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc thay mặt chủ trì, kết luận: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân, giúp ngư dân bám biển sản xuất, tăng thu nhập góp phần ổn định đời sống kinh tế đối với ngư dân ven biển. Việc tổ chức diễn đàn “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị” là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ hội để ngư dân được trao đổi, thảo luận, đối thoại với các cơ sở mua bán, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu cá ngừ đại dương, các nhà khoa học, nhà quản lý; đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất và tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm trong khai thác phục vụ chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu cá ngừ. Các ý kiến thảo luận tại diễn đàn này sẽ được tổng hợp và trình Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách mới phù hợp...
A.NGỌC - N.XUÂN