Trong mùa nắng nóng, công tác phòng cháy luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là tại các chợ, nơi có lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn lơ là với công tác này, do thiếu trang thiết bị và ý thức của tiểu thương chưa cao.
Lối thoát hiểm tại chợ Tân Hiệp được sử dụng để giữ xe, làm nơi mua bán - Ảnh: V.PHÊ
THIẾU TRANG THIẾT BỊ
Chợ Phú Hiệp ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) có quy mô 150 sạp kinh doanh cố định, cùng hàng trăm hộ kinh doanh xung quanh khu vực chợ, là nơi cung cấp lương thực, hàng hóa cho địa phương và các xã lân cận. Tuy nhiên, hiện trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ lại rất thiếu. Theo ông Trần Phú Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung, hệ thống chữa cháy chợ Phú Hiệp chỉ mang tính thủ công với một bể chứa nước, một bể chứa cát và một số bình CO2. Trong chợ lại không có đường nội bộ và đường cứu hỏa nên nếu xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa khó vào được bên trong chợ.
Ngoài chợ Phú Hiệp, nhiều chợ khác trên địa bàn tỉnh, công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức. Chợ phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) là chợ trung tâm ở khu vực phía nam thành phố, với hàng trăm hộ kinh doanh. Theo UBND phường Phú Lâm, hiện chợ vẫn chưa có bể nước chữa cháy vì không có kinh phí đầu tư. Còn bà Võ Thị Linh Trang, Phó chủ tịch UBND phường 2 (TP Tuy Hòa) thì cho biết, chợ Tân Hiệp đứng chân trên địa bàn phường có rất đông người tham gia mua bán, trong khi đó công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn khó khăn. Chợ được trang bị một số dụng cụ phòng cháy, chữa cháy nhưng chỉ đặt tại phòng của ban quản lý chợ. Trong khi các sạp có nguy cơ xảy ra cháy nổ thì không được trang bị dụng cụ phòng cháy.
Chợ TX Sông Cầu bị cháy vào ngày 11/3 gây thiệt hại lớn, là hồi chuông cảnh báo đối với tiểu thương các chợ trong tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy - Ảnh: T.LIỆU
TIỂU THƯƠNG CÒN CHỦ QUAN
Ngoài việc thiếu các trang thiết bị chữa cháy, ý thức phòng cháy của nhiều hộ kinh doanh tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh cũng chưa cao. Tình trạng tiểu thương tự ý cơi nới diện tích kinh doanh thường xảy ra, dù biết việc làm này sẽ gây khó khăn cho công tác cứu hỏa khi có sự cố xảy ra. Theo bà Võ Thị Linh Trang, chợ Tân Hiệp có 2 đường cứu hỏa thông ra đường Nguyễn Huệ và Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, 2 con đường này đã bị tiểu thương sử dụng làm mặt bằng để buôn bán, giữ xe và cũng là lối ra vào chính của người dân khi có nhu cầu mua hàng. Ngoài những loại thực phẩm tươi sống, nhiều tiểu thương chợ Tân Hiệp còn chiên, nấu thức ăn tại chợ; do đó nguy cơ cháy nổ rất cao.
Tại chợ Phú Hiệp, ngoài khu vực chính, các gian hàng còn lại không được quy hoạch cụ thể nên người dân thuận đâu ngồi bán hàng ở đó, khiến trật tự trong chợ trở nên lộn xộn. Nhiều người còn tự kéo lắp thiết bị điện khiến nguy cơ cháy nổ có thể ập tới bất cứ lúc nào. Bà Trần Thị Khương, tiểu thương tại chợ Tân Hiệp nói: Khuôn viên chợ chật hẹp, các sạp, ki ốt lại san sát nhau, đường dây điện được tiểu thương mạnh ai nấy đấu nối. Đó là chưa kể tình trạng tiểu thương đốt nhang, cúng ở chợ; gây mất an toàn khi xung quanh toàn hàng hóa dễ cháy.
Không chỉ lơ là công tác phòng cháy tại chợ, nhiều tiểu thương còn thờ ơ với việc tham gia bảo hiểm cháy nổ tài sản, hàng hóa của mình. Ông Nguyễn Chí Xanh, Trưởng ban Quản lý chợ Tuy Hòa cho biết: Chúng tôi chỉ mua bảo hiểm cháy nổ cho tài sản chung của chợ (khung chợ và các thiết bị chung liên quan). Ban Quản lý chợ đã nhiều lần vận động tiểu thương mua bảo hiểm cháy nổ nhưng hầu như không ai tham gia. Theo Công ty Bảo Việt Phú Yên, chưa có tiểu thương nào ở các chợ đăng ký mua bảo hiểm cháy nổ, dù đơn vị đã nhiều lần tư vấn, vận động họ. Cái khó ở đây là tiểu thương xem nhẹ vấn đề cháy nổ có thể xảy ra, trong khi bên bán bảo hiểm khó xác định giá trị thực của hàng hóa hiện có vì một số tiểu thương định mức giá trị hàng hóa cao hơn thực tế.
HỒ NHƯ - VÕ PHÊ