Thứ Bảy, 05/10/2024 22:19 CH
Xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công ở Đông Hòa:
Người dân mong được hỗ trợ
Thứ Hai, 17/03/2014 14:00 CH

Thực hiện lộ trình xóa bỏ cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công theo chỉ thị của tỉnh, huyện Đông Hòa đang nỗ lực vận động người dân tự tháo dỡ các lò gạch trong khu dân cư. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đến đời sống hàng nghìn người lao động.

 

gach140317.jpg

Sản xuất gạch thủ công ở thị trấn Hòa Vinh - Ảnh: N.XUÂN

HÀNG NGHÌN LAO ĐỘNG MẤT VIỆC

 

Theo UBND huyện Đông Hòa, hiện huyện này có 96 cơ sở sản xuất gạch với 1.123 lao động. Các lò gạch, ngói tập trung ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, Hòa Vinh và rải rác ở một số xã Hòa Thành, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Tây. Theo kế hoạch, trong năm 2013, 38 lò gạch, ngói ở 2 thị trấn Hòa Hiệp Trung và Hòa Vinh phải xóa bỏ. Các chủ lò gạch ngói thủ công ở đây đều thống nhất với chủ trương của huyện. Ông Trần Xuân Thuận ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh cho biết: “Vợ chồng tôi nay đã ngoài 50, lại bị thương tật do tai nạn trong quá trình làm nghề nên nay phải làm lại cũng khó. Chúng tôi đã cam kết tháo dỡ lò gạch nhưng tạm thời vẫn giữ nghề vì không biết làm gì khác để sống”. Ông Nguyễn Tạo Lập, chủ một lò gạch khác ở đây cũng chia sẻ: “Gia đình tôi gồm 4 khẩu; 2 con đang tuổi ăn học nhưng chỉ có gần 1 sào ruộng, cuộc sống chủ yếu nhờ vào lò gạch. Hiện nay, còn có 10 lao động, nếu xóa bỏ lò gạch thì toàn bộ số lao động này sẽ mất việc”. Theo chị Tờ Thị Lan, một người làm thuê thì những người làm cho các lò gạch, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày, tuy lương ít nhưng có việc làm vẫn hơn. Sắp tới, chính quyền phá bỏ lò gạch mà không sắp xếp việc làm thì nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn.

 

Ở huyện Đông Hòa, số lao động như chị Lan có đến hàng nghìn người. Tất cả đều mưu sinh dựa vào các lò gạch, ngói với mức thu nhập từ 1 đến trên 2 triệu đồng/tháng. Ngoài số lao động trực tiếp thì số lao động “ăn theo” như cộ bò, xe chở gạch, chở đất thuê, công bốc vác… cũng không nhỏ.

 

CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ

 

Ông Trần Xuân Thuận bày tỏ nguyện vọng, việc tháo dỡ lò gạch cùng các thiết bị cần kinh phí thuê nhân công thực hiện. “Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ khi dỡ bỏ lò gạch. Để đầu tư 1 lò gạch mất gần 100 triệu đồng (đối với lò lớn) và vài chục triệu đồng (đối với các lò nhỏ hơn), nếu xóa bỏ thì toàn bộ số máy móc, dụng cụ của lò gạch chỉ có thể bán phế liệu. Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ một phần giá trị tài sản để chúng tôi có vốn chuyển đổi sang nghề khác”, ông Thuận nói. Còn theo ông Nguyễn Tạo Lập thì gia đình ông làm nghề này đã hơn 20 năm; nay Nhà nước không cho làm gạch thủ công ở khu dân cư, gia đình ông muốn chuyển sang sản xuất gạch không nung nhưng vốn đầu tư quá cao. Chủ lò gạch này mong được vay vốn, bố trí địa điểm để chuyển đổi nghề, duy trì việc làm cho công nhân.

 

Ông Lê Tấn Thảo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Hòa cho biết: Trong năm qua, UBND huyện đã tuyên truyền, vận động tất cả chủ cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn ký cam kết xóa bỏ. Theo lộ trình, trong năm 2013, 38 cơ sở sản xuất gạch ngói ở thị trấn Hòa Vinh và Hòa Hiệp Trung buộc phải xóa bỏ; số còn lại thì trong năm nay. Đến nay đã có 2 cơ sở tự nguyện tháo dỡ và một số cơ sở đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, số còn lại vẫn tiếp tục sản xuất do người dân chưa có hướng chuyển đổi nghề. Phòng Kinh tế - Hạ tầng sẽ trình UBND huyện ra quyết định đình chỉ hoạt động; nếu không chấp hành, chính quyền sẽ cưỡng chế vào cuối tháng 4/2014.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek