Từ giữa tháng 2 đến nay, giá cả các loại hàng hóa, thực phẩm đã giảm nhiều so với thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán vừa qua nhưng sức mua giảm mạnh.
Chỉ hơn 10 giờ nhưng nhiều sạp hàng ở chợ Tuy Hòa vắng khách - Ảnh: K.ANH
Theo các tiểu thương, hiện giá cả hàng hóa ở các chợ đều ổn định và giảm ở nhiều mặt hàng. Tại chợ Tuy Hòa, cà rốt Đà Lạt giá 8.000 đồng/kg, cà chua từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg, thịt heo các loại dao động ở mức 65.000 đến 80.000 đồng/kg, thịt bò loại I giá 210.000 đồng/kg… Một số loại trái cây như cam, bưởi, mãng cầu, vú sữa, xoài… giảm từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg so với thời điểm sau Tết Nguyên đán. Theo thống kê của Sở Công thương, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả các loại đều có xu hướng giảm, tuy nhiên sức mua của người dân cũng không tăng nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 2/2014 ước thực hiện 1.297 tỉ đồng, giảm 7% so với tháng trước, lũy kế 2 tháng đầu năm giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Khảo sát tại các chợ trong tỉnh, sức tiêu thụ các mặt hàng đã giảm hẳn. Nhiều tiểu thương cho biết, hằng ngày người dân thường tập trung mua hàng từ 6 đến 10 giờ, sau thời gian này, lượng người mua thưa thớt. Ngay cả những mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống phục vụ cho bữa ăn hàng ngày sức tiêu thụ vẫn chậm. Theo chị Nguyễn Thị Tùng, tiểu thương bán thịt heo ở chợ TX Sông Cầu, thịt là thực phẩm cần thiết cho bữa ăn gia đình nhưng hiện người tiêu dùng cũng chỉ mua với số lượng ít. Do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên việc mua bán cũng ế ẩm.
Còn chị Lê Thị Bê, tiểu thương bán bánh kẹo ở chợ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa cho biết: Hằng ngày, tôi đều trưng bày hàng ra rồi chiều lại dọn về chứ không mấy người hỏi mua, may lắm thì bán cho một vài người có nhu cầu thiết yếu.
Trong khi đó, những hộ kinh doanh quần áo, vải, thiết bị điện tử, nội thất… cũng trong tình trạng… ngồi chơi. Nhiều điểm kinh doanh chỉ mở cửa để bán khai hàng đầu năm, bán lấy ngày trong những ngày đầu tháng Giêng, sau đó “then cài” cho đến nay. Số cửa hàng đã kinh doanh trở lại thì chỉ bán lấy có, bán hết hàng tồn trong năm cũ. Chị Nguyễn Thị Hà Lam, chủ shop quần áo thời trang trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) cho biết: Tình hình buôn bán ế ẩm vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện. Chúng tôi đang “xót” với khoản chi hàng tháng như thuê mặt bằng, thuế, điện… từ 7 đến 8 triệu đồng. Với đà này, chắc tôi nghỉ kinh doanh.
Thị trường tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối cũng đang “giậm chân tại chỗ”. Làm thế nào để phục hồi sức mua đang là vấn đề làm đau đầu nhiều doanh nghiệp. Giải pháp trước mắt là thực hiện khuyến mãi, bán thanh lý, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn không thu hút được đơn đặt hàng, hiệu quả kinh doanh chưa khởi sắc.
KHANG ANH