Sản xuất sản phẩm mới là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp hướng tới, nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, để có sản phẩm mới, doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực trong việc đầu tư, sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm mới của nhãn hàng sữa bột Dutch Lady - Ảnh: K.ANH
ÁP LỰC ĐẦU TƯ
Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện khá nhiều sản phẩm mới. Ông Huỳnh Tấn Đạt, chủ một cửa hàng tạp hóa ở đường Lê Thánh Tôn (TP Tuy Hòa) cho biết: Trong năm qua, nhiều sản phẩm sữa bột, sữa tươi dành cho trẻ em của thương hiệu Abott, Dumex hay một số loại nước giải khát thuộc hãng Coca Cola, Pepsi… đã thay đổi nhãn mác, kiểu dáng. Cứ mỗi lần như thế, các doanh nghiệp thông báo là sản phẩm mới nhưng thành phần của sản phẩm không có gì thay đổi. Trong khi đó, sản phẩm mới cả về chất lượng, mẫu mã thì rất hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên cho biết: Tạo ra sản phẩm mới là một trong những chiến lược kinh doanh của công ty, nhằm làm mới thương hiệu đã có lâu nay. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng của người dân luôn thay đổi, doanh nghiệp cần có sản phẩm mới để tạo sự chú ý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy trình làm ra sản phẩm mới rất tốn kém, mất nhiều công sức, thời gian, chi phí đầu tư công nghệ, thiết bị…
Đầu năm 2013, Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên tung ra thị trường sản phẩm nước uống đóng chai hương chanh, có gas. Theo ông Nguyễn Văn Vinh, khi làm sản phẩm này, lợi thế của công ty là thực hiện trên dây chuyền, thiết bị hiện có, chỉ đầu tư một số khâu cần thiết nên ít tốn chi phí; song việc hoàn thiện sản phẩm phải qua nhiều khâu như nghiên cứu thị trường, thành phần cấu tạo, điều kiện sản xuất, bảo quản; lựa chọn, thiết kế mẫu chai, nhãn mác; khảo sát mức độ tiêu thụ, phản hồi của khách hàng (sau khi dùng sản phẩm)… nên phải mất gần nửa năm, sản phẩm mới được đưa ra thị trường.
TÌM THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ
Việc đầu tư nghiên cứu sản phẩm đã khó nhưng để người tiêu dùng chấp nhận thì càng khó hơn. Theo chị Lệ Vân, chủ một đại lý phân phối hàng tiêu dùng trên đường Lê Lợi (TP Tuy Hòa), để người tiêu dùng biết đến sản phẩm mới, công tác quảng bá là rất quan trọng. Thông thường, sản phẩm nào được marketing, quảng bá rộng rãi thì có sức tiêu thụ mạnh. Nếu các đơn vị sản xuất có tiềm lực kinh tế và đầu tư đúng mức cho công tác này thì sản phẩm mới nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường. Bằng chứng là sản phẩm mới nào được giới thiệu tại cửa hàng mà đã qua giới thiệu trên truyền hình, báo chí… thì được người dân chọn mua. Còn bà Ngô Thị Thanh, chủ DNTN Tân Thanh chia sẻ: Đầu năm 2013, doanh nghiệp có giới thiệu sản phẩm Hồng Sâm, một loại nước uống bổ dưỡng do Hàn Quốc sản xuất, nhưng đến thời điểm này, sản phẩm hầu như không bán được. Nguyên nhân chính là do đơn vị sản xuất chưa chú trọng công tác quảng bá nên người tiêu dùng chưa biết, chưa quen với sản phẩm. Trong khi đó, chúng tôi chỉ là nhà phân phối không đủ điều kiện để quảng bá sản phẩm.
Theo Sở Công thương, phần lớn doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh đều trực tiếp phân phối sản phẩm đến hệ thống bán lẻ, siêu thị, cửa hàng nên việc quản lý, chăm sóc khách hàng chưa tốt. Ngoài ra, do khó khăn về nguồn lực nên các doanh nghiệp chưa hình thành điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới. Doanh nghiệp thường đưa sản phẩm vào siêu thị, mạng lưới đại lý để quảng bá sản phẩm mới. Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa Nguyễn Bích Ly cho biết: Siêu thị luôn ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất để các sản phẩm địa phương được trưng bày tại hệ thống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chí cần thiết của siêu thị. Thông thường, nếu trong 6 tháng, sản phẩm mới không phát sinh doanh thu thì chúng tôi phải “thanh lọc” để nhường chỗ cho sản phẩm khác. Điều này cho thấy, ngoài việc giới thiệu tại những nơi bán hàng, nhà sản xuất cần chú trọng công tác quảng bá, tiếp thị để thông tin về sản phẩm mới đến với khách hàng một cách hiệu quả nhất.
VÕ PHÊ