Từ đầu năm đến nay, các hãng sữa đồng loạt tăng giá bán từ 7 đến 15% khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Ngay các đại lý kinh doanh mặt hàng này cũng kêu vì doanh thu giảm sút.
Một người tiêu dùng phân vân khi tham khảo giá sữa tại một cửa hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.XUÂN
NGƯỜI TIÊU DÙNG BỨC XÚC
Lần thứ hai từ đầu năm đến nay, các hãng sữa đồng loạt tăng giá. Cuối năm 2013, các nhà cung cấp sữa ngoại như Abbott, Mead Johnson đã “nhanh chân” thông báo tăng giá một loạt sản phẩm sữa từ 5 đến 7%. Đến đầu tháng 2, một số nhà cung cấp sữa nội như Vinamilk, Nutifood, Cô gái Hà Lan cũng đồng loạt thông báo tăng giá từ 5 đến 10% các loại sữa bột, sữa nước, sữa chua. Cụ thể, sữa: Cô gái Hà Lan nước tăng 7%; TH True milk tăng 9%; Vinamilk bột tăng 10%, Vinamilk nước tăng 7%; Nutifood tăng 10% trên tất cả dòng sản phẩm. Với mức tăng trên, hiện sữa tươi Vinamilk tăng từ 290.000 đồng/thùng lên 310.000 đồng/thùng; sữa tươi TH True milk tăng từ 245.000 đồng/thùng 10 lốc lên 320.000 đồng/thùng 12 lốc; các dòng sữa bột Cô gái Hà Lan tăng bình quân từ 20.000 đến 40.000 đồng/hộp.
Anh Trần Văn Đô (phường 3, TP Tuy Hòa) nói: “Con tôi đã quen dùng sữa Dielac Alpha của hãng Vinamilk. Tuần trước, tôi mua 1 hộp (900gram) giá hơn 200.000 đồng nhưng nay đã tăng lên gần 240.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng gia đình tôi phải chi thêm gần 200.000 đồng tiền sữa (5 hộp/tháng) cho con”. Rất nhiều người tiêu dùng khác cũng bất bình trước đà tăng giá liên tục của các hãng sữa. Chị Lại Thị Thanh Trà (phường 6, TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Tôi thấy năm nào sữa cũng tăng giá từ 2 đến 3 đợt. Giá sữa quá cao, tôi đã chuyển từ sữa ngoại sang dùng sữa nội để tiết kiệm chi phí nhưng nay sữa nội cũng ào ạt tăng giá. Chúng tôi mong Nhà nước có những biện pháp quản lý hiệu quả hơn để cuộc sống của người dân bớt chật vật”.
Sữa là sản phẩm thiết yếu nên dù khó khăn đến đâu, cha mẹ cũng “bấm bụng” mua cho con. Giá sữa tăng mạnh trong khi thu nhập không tăng buộc các gia đình phải tiết kiệm các khoản chi khác vốn đã rất eo hẹp.
ĐẠI LÝ “KÊU” KHÓ KINH DOANH
Sữa tăng giá, không chỉ người tiêu dùng bức xúc, ngay đến những người kinh doanh mặt hàng này cũng “kêu trời” vì khó bán hàng. Chị Sương, chủ đại lý kinh doanh Đạt Sương (phường 4, TP Tuy Hòa) cho biết: Mỗi khi sữa tăng giá, nhiều người tiêu dùng tranh thủ thời điểm cửa hàng chưa tăng giá bán để mua sữa với số lượng nhiều, nhưng sau đó thì sức mua giảm mạnh. Có lẽ vì giá sữa quá cao nên người tiêu dùng cũng tính toán, dè dặt hơn trước khi mua. Họ đến nhiều cửa hàng, so sánh giá rồi mới quyết định mua sữa. Vì vậy, các cửa hàng phải cân nhắc trước khi niêm yết giá để không mất khách hàng.
Còn anh Vũ, chủ cửa hàng sữa Phương Hòa (phường 8, TP Tuy Hòa) nói: “Giá sữa liên tục tăng cao nên việc kinh doanh cũng rất khó khăn, doanh số giảm sút. Để cạnh tranh, cửa hàng không tính lãi trên từng hộp sữa như trước mà chỉ hưởng tiền thưởng doanh số hàng tháng để “lấy công làm lời” và giữ khách hàng. Thêm vào đó, các khoản khuyến mãi, chiết khấu của nhà cung cấp cũng được cửa hàng chia đều trên từng sản phẩm để giảm giá thành bán ra”.
Trước mỗi đợt tăng giá bán, các nhà cung cấp sữa đều lấy lý do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao nên phải tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, theo một đại lý kinh doanh sữa ở TP Tuy Hòa, lợi nhuận thu về hàng năm của các nhà sản xuất sữa rất lớn nhưng vẫn không ngừng lấy lý do tăng giá, đẩy phần khó cho người tiêu dùng và các đại lý kinh doanh. Nếu Nhà nước quản lý giá sữa chặt chẽ và quyết liệt hơn thì người tiêu dùng sẽ “dễ thở” hơn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc tăng giá tùy tiện của các hãng sữa đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài chính, chi tiêu của mỗi gia đình cũng như khẩu phần ăn của trẻ nhỏ. Thời gian qua, việc giá sữa tăng liên tục cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu quản lý giá. Sữa đã được đưa vào diện bình ổn, nhưng có vẻ lại càng dễ tăng hơn, vì doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng là đã đủ trách nhiệm, sau đó tha hồ tăng giá với cái cớ đã đăng ký, đã được chấp nhận. |
NGÔ XUÂN