Những ngày qua, người dân huyện miền núi vừa thu hoạch các loại cây trồng, vừa vui xuân với lễ hội truyền thống của địa phương. Trước đó, trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, bà con ở vùng cao đón tết ấm cúng, an lành.
Đêm văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân” tổ chức tại thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, Đồng Xuân) thu hút người dân địa phương đến xem - Ảnh: H.NAM
XUÂN VUI MIỀN NÚI
Tối 13/2 (14 tháng Giêng), tại UBND xã Sơn Xuân (Sơn Hòa), hàng trăm người đến xem văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân” do Đội Thông tin lưu động thuộc Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa tổ chức. Bà Nguyễn Thị Ba (65 tuổi), người dân địa phương đi xem văn nghệ trầm trồ: “Mấy ngày tết, tuổi già như tôi không đi đâu xa, ở quanh xóm không có gì vui chơi, tối nay, tôi đi cùng con cháu đến xem văn nghệ và thấy rất đông vui!”.
Trước đó, tối 12/2, hàng trăm người tập trung tại trụ sở UBND xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa) xem văn nghệ. Các tiết mục họp ca, song ca, múa, kịch… được Đội Thông tin lưu động huyện dàn dựng công phu với các làn điệu mang âm hưởng gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số làm cho người xem không chớp mắt. Anh La O Phiếu, cùng vợ bồng theo đứa con nhỏ đứng xem, giãi bày. “Ban ngày ở đây, mọi người lo thu hoạch sắn, mía có phần mệt nhọc, tối về xem văn nghệ, hòa theo không khí nhộn nhịp tôi cảm thấy vui lắm!”.
Theo kế hoạch của Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi “Mừng Đảng, mừng Xuân” được tổ chức đến ngày 15/2 (tức 16 tháng Giêng). Các hoạt động như hội đua ghe, thuyền rồng; các giải bóng đá giao hữu, biểu diễn văn nghệ tổ chức tại thị trấn Củng Sơn và các xã lân cận trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Còn tại các xã vùng xa như Cà Lúi, Phước Tân, tổ chức biểu diễn cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ… Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa cho hay: “Ngoài các hoạt động truyền thống tổ chức tại địa phương thì năm nay huyện tăng cường Đội thông tin lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa biểu diễn văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân” góp phần cho nhân dân vui xuân. Bên cạnh các hoạt động của huyện tăng cường về cơ sở thì các địa phương cũng tổ chức các hoạt động riêng theo truyền thống trong dịp tết cổ truyền”.
Những ngày qua, tại thác Hờ Ly, xã vùng cao Sông Hinh (Sông Hinh), buổi chiều đông nghịt người. Tại đây, từng nhóm người đến từ các xã Ea Trol, Ea Bia và thị trấn Hai Riêng mang theo bánh mứt, rượu bia tổ chức sinh hoạt vui chơi. Anh Phạm Văn Minh ở thị trấn Hai Riêng cho hay: “Ban ngày, lo công việc trong gia đình, có khi lên rẫy, chiều về rủ 4 đến 5 anh em trong xóm vào đây vui chơi ngắm cảnh”.
NĂM MỚI Ở PHÚ MỠ
Đầu năm mới, về Phú Mỡ (Đồng Xuân) - xã vùng sâu thuộc loại xa nhất của tỉnh, chúng tôi thấy không khí vui xuân, đón tết ở đây không kém phần rộn ràng. Trên các cổng chào ở đầu thôn vẫn còn đó băng rôn “Chúc mừng năm mới”, “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Vui chơi xong 3 ngày tết, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây ra đồng chăm sóc lúa đông xuân. Chị La Lang Thị Nhạn ở thôn Phú Giang cho hay: “Hiện cây lúa gần tháng rưỡi, chuẩn bị bón phân thúc đòng. Năm nay có khác là thời gian qua ở trên này lạnh kéo dài nên cây lúa chậm phát triển hơn mọi năm. Mấy hôm nay trời nắng ấm, tranh thủ bón phân cho cây lúa ôm đòng cho gié dài”.
Tết năm nay, nhà chị Nhạn, “ăn” tất niên khá tươm tất. “Sẵn con heo nuôi trong chuồng tôi làm thịt, trước cúng ông bà, sau mừng thằng con vừa rồi thi đậu trung cấp”, chị Nhạn nói. Sau khi cúng xong, chị Nhạn gửi cho cha mẹ 2 bên (bên chồng, bên chị) cùng mấy anh chị em dòng họ mỗi người hơn cân thịt về ăn lấy thảo.
Năm nay, nhiều người ở thôn Phú Giang không mua thịt heo ở chợ mà rủ nhau hùn mua heo ở địa phương làm thịt chia nhau. Con heo nặng 40kg, được anh La Văn Dũng và anh La Mo Y mua với giá 2,1 triệu đồng. “2 anh em tôi hùn mua con heo làm thịt. Con cháu xúm xít, vui một bữa thoải mái, rẻ hơn nhiều so với mua ở chợ”, anh Dũng cười nói.
Còn La Mo Y thì cho hay, năm nay nhà anh cúng tạ dâng lên gia tiên mâm cơm có đĩa thịt heo luộc, tô canh bí đỏ và đĩa xào. Cúng tạ xong, sáng hôm sau, anh La Mo Y vác cây cày, lùa bò ra cày đám đất gần sông Bà Đài để chuẩn bị xuống giống bắp vụ xuân. Anh cũng cho biết, tết năm nay, nhà anh có mua trái cây, chậu hoa trưng bày 3 ngày tết, không khí trong nhà ấm cúng, hạnh phúc.
Ông La Đình Thơ, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết: Theo chỉ đạo của huyện, trước Tết Giáp Ngọ, xã đã nắm lại tình hình các hộ gia đình trên địa bàn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời hỗ trợ không để hộ nào bị đói. Sau tết, xã cũng đã vận động bà con ra đồng tiếp tục chăm sóc lúa đông xuân, thu hoạch các loại cây trồng khác tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.
MẠNH HOÀI NAM