Được đầu tư xây dựng để bảo vệ khu dân cư xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa nhưng từ khi hoàn thành đến nay, kè nhiều lần bị sóng đánh bứt. Người dân xóm Rớ chưa kịp mừng lại phải tiếp tục sống trong nỗi lo âu, vì sóng biển liên tiếp uy hiếp đến tính mạng cũng như tài sản của họ.
Kè xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa liên tục bị sóng đánh bứt - Ảnh: H.NHƯ
CHƯA KỊP MỪNG ĐÃ LO
Theo nhiều hộ dân ở đây, từ khi được hoàn thành, kè xóm Rớ liên tục bị sóng biển đánh sập. Thời gian kè bị bứt lại xảy ra vào ban đêm, lúc triều cường dâng cao nên rất nguy hiểm đến tính mạng cũng như tài sản của người dân. Còn nhớ khi mới hoàn thành vào cuối tháng 10/2013, đến đầu tháng 11/2013 kè xóm Rớ bị sóng đánh sập một đoạn dài, khiến 20 hộ dân phải di dời đi nơi khác. Vào ngày 14/1 năm nay, một lần nữa bị sóng đánh sập. Sau đó, liên tục trong ngày và đêm 17 và 18/1, kè tiếp tục bị sóng biển đánh sập, uy hiếp hàng chục hộ dân sống trong khu vực.
Bà Đặng Thị Bai, 1 người dân ở xóm Rớ cho biết: “Khi kè chắn sóng được hoàn thành, chúng tôi ở đây ai cũng mừng. Thế nhưng không ngờ kè lại bị sóng đánh sập nhiều lần, giờ ai cũng hoang mang”.
Dọc tuyến kè dài 690m với những rọ đá cao 5,5m giờ đây trở nên nham nhở, tan nát do sóng biển. Không chỉ đánh sập kè, sóng biển còn “ăn sâu” vào đất liền, cuốn bứt nhiều đoạn đường dân sinh dọc bờ biển, khiến nhiều phương tiện không thể qua lại. Ông Nguyễn Văn Láng, có nhà ở gần kè cho biết: “Mỗi ngày kè xóm Rớ bị sóng biển đánh sập thêm một đoạn và “ăn sâu” vào đất liền. Vì biển đang động mạnh nên ở những chỗ kè bị sóng cuốn đi, tạo thành những “hầm ếch”. Chúng tôi ai cũng lo sợ vì cứ như thời tiết hiện nay thì không biết sóng biển sẽ “ăn sâu” tới đâu”.
Theo nhiều người dân ở xóm Rớ, thông thường biển sẽ động đến hết tháng 2 âm lịch. Vì vậy, với kè chắn sóng như hiện nay thì xóm Rớ còn tiếp tục bị uy hiếp.
MONG CÓ KÈ KIÊN CỐ
Kè xóm Rớ được xây dựng và hoàn thành vào tháng 11/2013 với chiều dài 690m, tổng khối lượng đá 20.000m3 được chia thành 2.500 rọ đá xếp chồng lên nhau. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 12 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Mục đích của công trình này nhằm hạn chế mất đất do nước biển xâm thực ở khu vực xóm Rớ. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở đây, với sóng biển mạnh như hiện nay thì những rọ đá này không thể chịu nổi. Ông Võ A Đông sinh sống ở đây cho biết: “Người dân ở đây đa số làm nghề biển, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên không thể một sớm một chiều mà chuyển đến nơi ở khác. Vì vậy chúng tôi chỉ biết sống chung với thiên tai, cứ sóng biển chảy tràn vào đến đâu thì người già, trẻ con kéo nhau chạy tránh, bất kể ngày hay đêm. Mong sao Nhà nước sớm đầu tư xây kè kiên cố hơn chứ với kè đá như thế này thì không thể chịu nổi với các đợt triều cường mạnh”.
Mong muốn của người dân là hoàn toàn chính đáng và đó cũng chính là trăn trở, quyết tâm bảo vệ dân, giữ đất của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên trong điều kiện chưa tìm được nguồn kinh phí để xây kè kiên cố, thời gian lại ngắn thì việc đầu tư kè xóm Rớ theo dạng kết cấu “mềm” chỉ là giải pháp tình thế. Ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng ban quản lý các dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh cho biết: Thời gian qua, nếu không có kè thì cả khu dân cư gần kè đã không còn. Trong điều kiện khó khăn về vốn (chỉ có 12 tỉ so với yêu cầu từ 100 đến 150 tỉ đồng để có kè kiên cố) thì bứt kè đến đâu, sửa đến đó để chờ tìm nguồn vốn từ Trung ương đầu tư kiên cố cho kè. Những ngày qua, sau khi kè lại bị sóng phá, Ban quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh cùng với nhà thầu bám sát công trường để kịp thời sửa chữa những đoạn bị bứt nhằm bảo vệ khu dân cư phía trong kè an toàn.
HỒ NHƯ - THANH HOÀI