Những ngày giáp tết, làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, Tuy An) hối hả vào vụ. Năm nay, người dân làng nghề vui hơn vì nhiều hộ đã có máy làm bánh hỗ trợ sản xuất.
Sử dụng máy tráng bánh ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa - Ảnh: N.XUÂN
Làng nghề bánh tráng Hòa Đa hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm cận tết. Ngay từ đầu tháng Chạp, không khí trong làng nghề trở nên tất bật, bánh phơi từ đầu làng đến cuối thôn. Hiện toàn xã An Mỹ có 375 hộ làm nghề bánh tráng, thu hút gần 800 lao động. Cuối năm, số lao động làm bánh tăng lên gần 1.000 người và giá mỗi trăm bánh tráng cũng cao hơn ngày thường từ 30.000 đến 40.000 đồng, nên ai nấy tranh thủ làm bánh để tăng thu nhập. Dịp này, bình quân mỗi lao động của làng nghề có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Các hộ sản xuất trong làng nghề huy động mọi thành viên, làm việc cật lực không kể giờ giấc, nhiều hộ phải thuê thêm người làm mới đủ bánh đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Trần Thị Luân, một người dân làng nghề cho biết: “Dịp tết, nhu cầu mua bánh luôn cao hơn ngày thường 2 đến 3 lần. Nhà có 2 lao động, tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để làm bánh đến 9, 10 giờ đêm mới xong. Mỗi ngày gia đình tôi làm được 800 đến 900 bánh”.
Dịp tết này, cơ sở bánh tráng Hai Thơm (Hòa Đa, An Mỹ) thuê thêm 2 lao động để hỗ trợ sản xuất. Ông Nguyễn Hai, chủ cơ sở bánh tráng này cho biết, cơ sở của ông có 3 lò tráng bánh thủ công. Trước đây, mỗi ngày làm nhiều lắm cũng chỉ được 2.000 bánh, không đủ bán trong đợt cao điểm giáp tết. Tháng 5/2013, được hỗ trợ 25 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đầu tư thêm 35 triệu đồng để mua 1 máy làm bánh tráng. Vụ tết năm nay, năng suất làm bánh của cơ sở ông tăng gấp 3 đến 4 lần, lại không tốn nhiều lao động như những năm trước. Thêm vào đó, bánh tráng được làm bằng máy cho ra sản phẩm mỏng, chín đều, độ dẻo dai cao nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Trước kia, các hộ làm bánh tráng chủ yếu làm thủ công, phơi nắng mặt trời nên khi trời không nắng, người dân không thể làm bánh. Mấy năm nay, nhiều hộ làm bánh của xã An Mỹ đã đầu tư lò sấy, tận dụng hơi nóng của lò tráng để sấy bánh. Nhờ vậy năng suất làm bánh tăng cao, tiết kiệm nhiên liệu; bánh lại thơm, không bị hôi khói, chất lượng bánh được cải thiện đáng kể.
Ông Nguyễn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ cho biết: “Năm 2013, làng nghề bánh tráng Hòa Đa được hỗ trợ 50 triệu đồng cho 2 hộ gia đình mua máy làm bánh tráng; nâng số hộ làm bánh bằng máy của xã lên 9 hộ. Ngoài ra, hiện toàn xã có 70% số hộ làm bánh đã đầu tư được lò hơi để sấy bánh. Nhờ đó, năng suất và chất lượng bánh tráng Hòa Đa được cải thiện rõ rệt. Trong năm tới, chúng tôi đề nghị mở lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân làng nghề được cấp giấy chứng nhận này, tạo điều kiện cho sản phẩm bánh tráng của làng nghề mở rộng kênh tiêu thụ. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đề nghị hỗ trợ vốn để các hộ dân đầu tư lò hơi, mua thêm máy làm bánh để tăng năng suất, chất lượng bánh tráng Hòa Đa”.
NGÔ XUÂN