Trong bối cảnh tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu dùng giảm kéo theo giá nông sản giảm nhưng tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp vẫn đạt 2,67%, tương đương mức tăng của năm 2012 là 2,68%. Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2013 đạt 27,5 tỉ USD, tăng 0,7% so năm 2012 với thặng dư thương mại hơn 8,5 tỉ USD là những tín hiệu đáng mừng của ngành Nông nghiệp trong quá trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, tiến tới từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.
Mô hình sản xuất lúa lai tại huyện Sông Hinh cho năng suất cao - Ảnh: N.CƯỜNG
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KHÁ
Nhìn lại một năm cho thấy, năm 2013, ngành Nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cho tiêu thụ nông sản cả xuất khẩu và trong nước. Vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế, lãi suất vốn vay mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và các chi phí vật tư đầu vào tăng cao... nhưng ngành Nông nghiệp vẫn giữ được sự tăng trưởng khá góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Toàn ngành đã tích cực thực hiện quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, triển khai thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013.
Tại cuộc họp tổng kết toàn ngành năm 2013, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp tuy đạt được mức tăng trưởng khá nhưng tính bền vững chưa cao và tính chung cả năm vẫn trong xu hướng chậm dần. Các giải pháp tiêu thụ nông sản chưa thật sự căn cơ, chiến lược, mới chỉ là các giải pháp tình thế, ngắn hạn. Đây vẫn là “điểm nghẽn” cản trở sự tăng trưởng của ngành. Sản lượng nhiều loại nông sản đã dần tăng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 49,3 triệu tấn, tăng 558.500 tấn so với năm 2012. Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Diện tích cà phê đạt 635,2 nghìn ha, sản lượng đạt 1,3 tỉ tấn, tăng 2,3%; cao su đạt 974.000ha, sản lượng đạt 934.500 tấn, tăng 8,2%; diện tích chè đạt 130.000ha, sản lượng đạt 935.000 tấn, tăng 1,3%. Riêng diện tích điều vẫn có xu hướng giảm.
Đối với thủy sản, tổng sản lượng cả năm tuy tăng, nhưng hoạt động nuôi trồng có những diễn biến trái chiều khi đầu năm, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính (EU và Hoa Kỳ) bị sụt giảm mạnh, đặc biệt là giá cá tra và cuối năm mới có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản, xuất khẩu cá tra khó tiêu thụ hàng hóa, tồn kho và nợ đọng kéo dài nên giảm thu mua cá nguyên liệu, người nuôi bị thua lỗ, bỏ nuôi khá nhiều.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN, HỖ TRỢ SẢN XUẤT
Cùng với sản xuất, chăn nuôi tiếp tục là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do giá bán sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, giá các loại thức ăn biến động tăng ở mức cao và sự cạnh tranh của hàng nhập lậu nên hàng tồn kho lớn. Doanh nghiệp và người chăn nuôi bị thua lỗ, giảm đầu tư. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhập lậu nên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Trong khi đó, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng được tăng cường, không để xảy ra dịch bệnh trên phạm vi lớn, nhờ đó, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán các sản phẩm có xu hướng tăng.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, đưa ra các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn kịp thời để thúc đẩy sản xuất. Cùng đó là các chính sách hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị bảo quản, tăng hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động khai thác hải sản. Các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản tiếp tục được ban hành và triển khai thực hiện. Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tiếp tục được thực hiện. Hỗ trợ tiêu thụ để đảm bảo lợi ích cho người nông dân như chính sách hỗ trợ lãi suất tạm trữ, khoanh nợ, giãn nợ… Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để mua máy, thiết bị chế biến, giảm tổn thất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng.
Các chính sách trên đã thực sự phát huy hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, doanh nghiệp góp phần giảm chi phí, giảm thất thoát trong thu hoạch bảo quản và chế biến, nâng cao hiệu quả. Trong công tác giảm tổn thất sau thu hoạch, tính đến tháng 10/2013, đã có 15 tổ chức, cá nhân sản xuất máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách hỗ trợ với số dư nợ cho vay gần 2.000 tỉ đồng.
ĐỔI MỚI “BỘ MẶT” NÔNG THÔN
Trong năm 2013, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sâu sát và ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình), làm thay đổi “bộ mặt” nông thôn. Theo đó, bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình từ Trung ương đến các địa phương được củng cố, hoạt động tích cực, chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể nên những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ. Nhiều địa phương, công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Nghị quyết 26) và xây dựng nông thôn mới đã trở thành chương trình công tác thường xuyên của cấp ủy và HĐND các cấp.
Tính đến cuối năm 2013, tỉ lệ các xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới đạt 93%; có 7.995 trên tổng số 9.084 xã phê duyệt xong đề án Xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn huy động xã hội cho Chương trình được 41.365 tỉ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.680 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 12.594 tỉ đồng, vốn tín dụng là 15.152 tỉ đồng, vốn của doanh nghiệp và cộng đồng là 11.939 tỉ đồng. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, chính sách tốt trong việc lồng ghép và huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới .
Đặc biệt, thông qua Chương trình đã có trên 7.000 mô hình sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Nổi bật trong phát triển sản xuất ở các địa phương là việc dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa ở hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, “cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp” ở các tỉnh phía Nam. Một số tỉnh, thành phố bước đầu quan tâm chỉ đạo hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị; gắn kết nông dân với doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ…
HOÀNG LINH - (TTXVN)