Sáng 8/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dẫn đầu Đoàn kiểm tra làm việc tại Bộ Công thương.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” làm việc tại Bộ Công thương. - Nguồn: VGP
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, sau 4 năm triển khai, Cuộc vận động (CVĐ) có ý nghĩa xã hội sâu sắc này đã mang lại những kết quả tích cực, tạo ra sự tin tưởng trong nhân dân, là tiền đề tích cực để thực hiện trong những năm tiếp theo.
Theo điều tra xã hội học, có tới 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng hóa Việt Nam chất lượng cao. Rất nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước có tới 80% thậm chí 100% hàng hóa sản xuất trong nước. Tại khu vực nông thôn, miền núi, người dân đã bắt đầu quen dùng và yêu thích hàng sản xuất trong nước. Kết quả đó đã giúp cả nước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỉ đồng (tăng 12,6%) so với năm 2012. Tính từ 2009 đến nay, hàng năm hàng hóa được sản xuất trong nước đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm trước. CVĐ cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt xuất siêu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế. Một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả cao, chưa thực sự tạo ra đột phá.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý Bộ Công thương khi triển khai CVĐ phải tuân thủ các quy luật kinh tế, từ đó có các giải pháp kinh tế và giải pháp tuyên truyền song hành với nhau. CVĐ phải đứng vững trên 3 trụ cột: cạnh tranh về giá cả, chất lượng; phát huy tinh thần yêu nước và làm tốt công tác truyền thông; đồng thời đề nghị Bộ Công thương lựa chọn khoảng 20 đến 30 mặt hàng trong nước để tập trung xây dựng chỉ tiêu. Từ đó có giải pháp cụ thể cho từng mặt hàng, tạo thói quen cho người tiêu dùng thông qua những thương hiệu Việt, tiến tới đẩy lùi hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Theo Chinhphu.vn