Nhiều ngày qua, tiểu thương ở chợ phường Phú Thạnh (chợ Hầm Nước) bức xúc về việc thu phí chợ của mẹ con bà Nguyễn Thị Hương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết sự việc trên.
Tiểu thương buôn bán ở chợ phường Phú Thạnh - Ảnh: K.ANH
Theo UBND phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), năm 2013, chợ Hầm Nước có 188/206 lô được tiểu thương sử dụng, trong đó có 183 lô chính. Nhưng đến đầu năm 2014, số lô còn hoạt động chỉ 134, phân bổ cho các ngành hàng khô, thịt cá, vải, tạp hóa, trái cây, rau, giày dép, may mặc, ăn uống… Ông Lê Văn Hổ, Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh cho biết: Năm 2013, bà Nguyễn Thị Hương, trú khu phố 3, phường Phú Thạnh hợp đồng thu phí chợ với chính quyền địa phương với mức thầu 76 triệu đồng/năm. Ngày 27/12/2013, UBND phường tổ chức đấu thầu chọn người thu phí chợ năm 2014, bà Hương trúng thầu với giá là 333 triệu đồng/năm nhưng bà Hương không nhận thầu nên UBND phường chọn người kế tiếp là bà Nguyễn Thị Mộng Thường (con bà Hương) với giá 280 triệu đồng/năm. Theo quy định, bà Thường phải nộp trước cho phường 1/3 số tiền trúng thầu, số còn lại chia đều và nộp hàng tháng trong năm 2014. UBND phường chỉ gia hạn thời gian hoàn tất thủ tục cho bà Thường đến 1/1/2014. Sau đó, bà Thường có đem tiền đến nộp (mặc dù quá thời hạn) nhưng do tiểu thương kêu việc thu phí cao nên đến nay phường vẫn chưa ký hợp đồng với bà này.
Theo nhiều tiểu thương bán trái cây tại chợ Hầm Nước, lâu nay, việc thu phí chợ do bà Hương phụ trách. Ngoài tiền thuê mặt bằng (đóng cho UBND phường hàng năm từ 450.000 đồng đến trên 600.000 đồng/lô, tùy diện tích), tiểu thương còn phải đóng phí vệ sinh 1.000 đồng/buổi; sau đó, bà Hương tăng lên 2.000 đồng rồi 4.000 đồng/buổi. Đồng thời, tiền góp chỗ cũng tăng cao khiến nhiều tiểu thương rất bức xúc. Bà Hoàng Thị Hoa, một tiểu thương ở đây cho biết: “Tôi bán hàng rau, trước đây chỉ nộp 5.000 đồng/buổi, nay phải đóng 20.000 đồng/buổi. Là chợ phường, người mua không nhiều, lãi không bao nhiêu nhưng tiền góp chỗ tăng nhiều lần thì chúng tôi không thể chấp nhận được”. Còn theo chị Nguyễn Thị Tuyết (bán thịt heo) thì đầu năm nay, lấy lý do phải đóng tiền cho phường cao, bà Hương tăng tiền thu hàng ngày. Hiện hàng thịt, cá, rau đều tăng; trong đó, hàng cá từ 10.000 đồng, 15.000 đồng/buổi lên 20.000 đến trên 40.000 đồng/buổi...
Một số trường hợp vì không chấp nhận sự bất hợp lý này đã bị hành hung. Theo đơn trình bày của chị L.T.K.A, một tiểu thương ở chợ Hầm Nước thì cách đây không lâu, mặc dù chị A đã đóng cho mẹ con bà Hương 45.000 đồng tiền góp chỗ của 1 buổi chợ nhưng vì một câu nói là mẹ con bà này thu cao nên đã bị đánh. Mới đây, ông Hưng (bán mũ) cũng bị mẹ con bà Hương “động tay động chân”.
Tiểu thương cho rằng việc tăng phí quá cao là bất hợp lý nên nhiều người đã ký vào đơn khiếu nại và gửi lên phường nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Còn bà Nguyễn Thị Hương cho biết, do nhận thầu với số tiền cao nhiều lần so năm trước nên bà tăng phí chợ. Hiện đối với những hộ bán cố định, thu 4.000 đồng/buổi (tăng 2.000 đồng), còn những trường hợp bán không thường xuyên thì không áp dụng mức thu này, ai bán nhiều góp nhiều, bán ít góp ít nhưng tối thiểu là 2.000 đồng/buổi và cao thì đến 30.000 đến 40.000 đồng/buổi.
Theo ông Lê Văn Hổ, từ trước đến nay, UBND phường không can thiệp về việc thu phí, mức thu cũng do người thu tự quy định. Phường chưa quy định giới hạn mức thu phí đối với tiểu thương khi thỏa thuận với người nhận thầu. “Trước phản ánh của tiểu thương, UBND phường Phú Thạnh đã thành lập tổ kiểm tra để làm việc trực tiếp tại chợ, tập trung sắp xếp lại chỗ ngồi cho tiểu thương, kiểm tra việc thu phí, cách bố trí ngành hàng…; đồng thời sẽ xin ý kiến của UBND TP Tuy Hòa về vấn đề này”, ông Hổ nói.
KHANG ANH