Chủ Nhật, 06/10/2024 21:32 CH
Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp - Nước đã đến chân
Thứ Năm, 09/01/2014 09:00 SA

Vẫn là ngành xuất siêu mang ngoại tệ về cho đất nước với khoảng 9 tỉ USD trong năm 2013 nhưng ngành nông nghiệp - “trụ đỡ” nền kinh tế cả nước đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết đòi hỏi có sự điều chỉnh kịp thời. Tốc độ phát triển ngành nông nghiệp giảm dần. Thập niên 1995-2000 ngành nông nghiệp cả nước tăng trưởng 4%, giai đoạn 2006-2010 là 3,3%. Trong 3 năm qua, con số này là 3%, riêng năm 2013 chỉ tăng 2,67%.

 

lua-140109.jpg

Ảnh minh họa: Internet

ĐỤNG TRẦN

 

Có thể nói, năm 2013 là năm ngành nông nghiệp đã bộc lộ những hạn chế cơ bản khi mà trước đó, nhờ sự thuận lợi của thị trường vẫn còn che bớt những khiếm khuyết nên có sự tăng trưởng liên tục khá ấn tượng, góp phần không nhỏ vào GDP cả nước.

 

Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), “vốn tự có” của nông nghiệp đang cạn dần, quỹ đất nông nghiệp không còn, năng suất nhiều loại cây trồng gần như đạt ngưỡng… Giai đoạn chạy theo sản lượng nhiều nhất, năng suất cao nhất không còn tác động nhiều đến thu nhập của bà con nông dân khi giá nông sản các loại (trừ hồ tiêu) trên thị trường thế giới đều suy giảm như cà phê, cao su, cá tra, và rõ nét nhất là mặt hàng gạo, loại cây trồng ảnh hưởng nhiều đến nông dân. Lần đầu tiên chỉ tiêu xuất khẩu gạo không đạt kế hoạch đề ra cả về sản lượng và giá trị. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2013 chỉ xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và chưa đạt 3 tỉ USD kim ngạch, thấp hơn năm 2012 trên 15% cả về lượng và giá trị. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2013 khoảng 27,5 tỉ USD, chỉ tăng 0,7% so với năm 2012, trong khi năm 2012 con số này tăng 9,7%.

 

Tăng trưởng chậm, giá trị thấp nên ngành nông nghiệp đóng góp chỉ còn khoảng 19% GDP cả nước. Việc giảm GDP nông nghiệp vào nền kinh tế là xu hướng tích cực nếu muốn công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhưng cái đáng lo là 49% lao động từ nông thôn chỉ tạo ra 19% GDP, so với 51% lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ làm ra 81% GDP, nên chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị nhiều hơn. Đây không chỉ vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, đòi hỏi phải giải quyết thời gian tới như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại cuộc họp trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp cả nước mới đây.

 

CHẤM DỨT “HÀNG XÉN”

 

Là người chỉ huy “mặt trận” nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tỏ ra xót ruột trước tình hình hiện nay và cho biết nhiệm vụ chính trước mắt là ưu tiên tổ chức tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất. Các địa phương, nơi nào còn sản xuất kiểu tự cung, tự cấp cần phải tìm cách chuyển sang sản xuất hàng hóa. Những nơi đã sản xuất hàng hóa, nhưng còn manh mún theo kiểu “hàng xén”, cái gì cũng có nhưng không có cái gì giá trị thì phải liên kết lại để sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao và theo xu hướng thị trường để có sản phẩm chất lượng hơn, an toàn hơn và giá trị hơn. Trước đây làm nhiều về số lượng để bán được nhiều tiền, nhưng hiện nay, làm nhiều về lượng nhưng lại bán ít tiền hơn. Vì vậy, làm ra sản phẩm năng suất vừa phải nhưng với giá trị cao nhất, giúp tăng lợi nhuận cho người dân.

 

Năm nay ngành nông nghiệp ưu tiên tổ chức lại sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, bằng nhiều hình thức như mở rộng việc xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết bằng cách gắn kết doanh nghiệp với nông dân từ 200.000 đến 250.000ha, qua đó sử dụng giống thích hợp với các thị trường. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang trồng bắp (ngô), đậu nành (đỗ tương) phải được tính đến ở những vùng cây lúa không phù hợp và kém tính cạnh tranh. Nhưng nếu nóng vội sẽ là tai hại bởi chưa có được nền căn bản là giống, quy trình kỹ thuật để có giá thành thấp hơn so với hàng nhập khẩu.

 

Gốc vấn đề là phải tái cơ cấu để cũng sản phẩm đó nhưng có giá trị gia tăng nhiều hơn, hiệu quả làm ra cao hơn để thu nhập của người nông dân tăng thêm, giúp giảm dần khoảng cách người dân nông thôn và thành thị. Sẽ sai lầm nếu tái cơ cấu theo kiểu “bỏ lúa trồng đay, chặt đay trồng lúa”. Đó là cái vòng luẩn quẩn của sự trồng chặt. Nơi nào có điều kiện hãy tìm cách để trồng cây lúa tốt hơn, chất lượng hơn, độ thuần cao hơn, an toàn hơn có thể chen vào những thị phần cao cấp (gạo thơm, gạo 5% tấm), thị trường khó tính như Nhật Bản, đặc biệt là Mỹ chuẩn bị cho Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời gia tăng chế biến sau thu hoạch ra gạo, bánh, bột… vừa giúp tạo thêm công ăn việc làm, vừa tăng thu nhập cho nông dân. Những sản phẩm thế mạnh phải hình thành nên chuỗi giá trị để tạo ra những sản phẩm thị trường, đặc biệt là chuỗi ngành hàng lúa gạo. Qua đó nông dân được hưởng nhiều cái lợi như giảm chi phí đầu vào (vật tư, phân bón đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý), đầu ra ổn định (giảm bớt nỗi lo được mùa mất giá) và được tư vấn hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, bảo hiểm nông nghiệp...

 

CÔNG PHIÊN (SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek