Trước thực trạng khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, ngành Nông nghiệp Phú Yên đã quy hoạch cánh đồng lúa Tuy Hòa chất lượng cao, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn do Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina hỗ trợ phân bón tại huyện Phú Hòa - Ảnh: M.H.NAM
LÚA HÀNG HÓA KHÓ TIÊU THỤ
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cùng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa chất lượng và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP” với diện tích gần 200ha, tại các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân và TP Tuy Hòa. Giống lúa đưa vào sản xuất là giống cấp xác nhận, nguyên chủng OM4900, AS996, TBR36, TBR45, HT1, VND95-20, ML48… đã cho năng suất khá cao, chất lượng tốt, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, góp phần tạo ra sản phẩm sạch. Tuy nhiên, số diện tích còn lại gần 23.500ha, mỗi vụ gieo sạ hơn 50 loại giống lúa, phần lớn người dân tự để giống trong nhiều năm nên bị lẫn tạp, thoái hóa, sản lượng lúa hàng hóa không đều, khó tiêu thụ. Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Nguyễn Thị Mơ cho biết: “Mô hình này đã hướng bà con chú trọng sử dụng giống lúa chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, diện tích sản xuất giống lúa chất lượng vẫn chưa được nhân rộng, lại chưa quy hoạch được vùng sản xuất lúa hàng hóa, chưa xây dựng được mắt xích cuối cùng trong chuỗi sản xuất là tìm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Điều này dẫn đến tình trạng lúa chất lượng sản xuất ra “ăn không hết” nhưng “bán không được”, lúa loại này bị tư thương ép giá, chỉ mua với giá ngang bằng hoặc nhỉnh hơn giá các giống lúa chất lượng thấp khác”.
Cũng chính vì vậy, thời gian qua, một số HTX nông nghiệp khi tham gia chương trình sản xuất lúa chất lượng nhưng không có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra thu mua sản phẩm buộc nông dân phải bán ngang với giá của các giống lúa chất lượng thấp. Ông Thiều Quốc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Thạch (Tuy An) cho hay: “Năm 2012, một số doanh nghiệp ở Bình Định vào đặt hàng, nông dân ở xã An Thạch sản xuất lúa chất lượng để bán lúa giống với giá cao hơn nhưng số lượng ít. Phần còn lại thì bán với giá ngang bằng các giống lúa khác; vì vậy diện tích sản xuất lúa chất lượng không tăng”.
Để phát triển sản xuất lúa chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân, Sở NN-PTNT đã quy hoạch cánh đồng lúa chất lượng cao với quy mô 10.000ha tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Đây là vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh có hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, năng suất lúa ổn định từ 12 đến 13 tấn/ha/năm. Trước mắt, Sở NN-PTNT kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu nhằm đảm bảo đầu ra hạt gạo.
LIÊN KẾT SẢN XUẤT, ĐẨY MẠNH TIÊU THỤ
Vừa qua, Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, công suất 100 tấn lúa/ngày, tại KCN Hòa Hiệp 1 (Đông Hòa) và đã được ngành chức năng của tỉnh chấp thuận. Nhà máy được xây dựng với công nghệ hiện đại, khép kín, không gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina cho hay, công ty xác định, việc xây dựng nhà máy là để tăng cường sự phối hợp các khâu trong sản xuất nông nghiệp, tạo nên sự liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) trong chuỗi sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ nông sản hàng hóa. Trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến giữ vai trò đầu mối. “Việc xây dựng nhà máy tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, xem dự án này như một kênh phát triển thương hiệu phục vụ cho hiệu quả kinh doanh của nhà máy sản xuất phân bón đã có sẵn và đang hoạt động tốt”- ông Phong nói.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT phân tích: Sở quy hoạch cánh đồng lúa chất lượng cao và có nhà máy thu mua chế biến gạo xuất khẩu. Qua đó, việc tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm lúa gạo Phú Yên được tăng cường. Cánh đồng lúa Tuy Hòa chất lượng cao, nông dân tập trung sản xuất thành những cánh đồng lớn, còn doanh nghiệp đảm nhận các khâu cung cấp lúa giống với giá ổn định, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch theo giá thỏa thuận. Trong mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, vai trò doanh nghiệp tác động rất lớn đến việc vận động nông dân tham gia ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, như giống lúa gieo sạ phải là giống chất lượng. Từ đó, nông dân được khuyến cáo sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, hạ chi phí sản xuất, làm lợi cho nông dân và nâng cao chất lượng sản phẩm.
MẠNH HOÀI NAM