Thứ Bảy, 05/10/2024 20:19 CH
Vụ đông xuân 2013-2014:
Ngập mặn, hàng trăm hécta chưa thể xuống giống
Thứ Năm, 26/12/2013 07:42 SA

Nhiều năm qua, nông dân sản xuất lúa tại các cánh đồng ở xã An Cư và An Hòa (Tuy An) phải vật lộn với tình trạng ngập mặn kéo dài. Và năm nay cũng không ngoại lệ, hiện hàng trăm hécta sản xuất lúa ở các cánh đồng này vẫn bị ngập nước mặn, trong khi ở các địa phương khác trong tỉnh, nông dân đã xuống giống gieo sạ lúa đông xuân 2013-2014.

 

man131226.jpg

Nước mặn chảy ngược tràn qua các cống ngăn mặn, chảy vào cánh đồng Đồng Mây, xã An Cư (Tuy An) - Ảnh: H.NAM

Đang là thời điểm gieo sạ lúa đông xuân 2013-2014, thế nhưng liên tiếp những ngày qua, triều cường xâm thực khiến cánh đồng rộng gần 50ha ở xã An Cư ngập trong nước mặn. Bà Trần Thị Thu ở thôn Phú Tân 1, than vãn: “Mấy vụ lúa trước, ruộng của gia đình tôi nước mặn chỉ ngập 3 ngày là rút hết, còn năm nay nước mặn ngâm gần một tuần rồi nên không thể tiến hành làm đất và gieo sạ”.

 

Khu vực ruộng Gò Bùn là vùng trũng nhất của Đồng Mây, năm nào nước mặn cũng tràn vào gây ngập úng gây chết lúa, nông dân phải sạ đi, sạ lại. Bà Nguyễn Thị Thúy cũng ở thôn Phú Tân 1, nói: “Đợt triều cường xâm thực lần này kéo dài quá. Theo đà con nước này thì sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ mới sạ được. Năm nào cũng vậy, sau tết, khi sạ xong thì nước mặn lại tiếp tục uy hiếp cây lúa”. Bà Thúy cho biết thêm, vụ đông xuân năm ngoái, vừa sạ xong thì triều cường xâm thực, nước mặn lênh láng từ đồng Cổ Cò xuống cống Gò Bùn khiến lúa sạ bị ngâm nước mặn mấy ngày liền, thối hoàn toàn.

 

Để đối phó với tình trạng này, nông dân phải sạ dày để trừ hao khi lúa bị ngập mặn, chết và bơm nước ngọt rửa mặn cứu lúa. Tuy nhiên, khi nước rút, nước ngọt trong kênh “đứt” nên không thể lấy nước rửa mặn, lúa trong ruộng còn thưa thớt phải tốn công cấy dặm. Nhiều người dân làm ruộng ở xã An Cư cho biết, vụ đông xuân năm nào ruộng ở cánh đồng Đồng Mây, Đồng Vỡ, Ba Biện cũng sạ đi, sạ lại nhiều lần vì bị nhiễm mặn. Mỗi lần sạ, chi phí gần 150.000 đồng/sào. Nhiều nông dân lo lắng, gieo sạ trễ lịch thời vụ thì năng suất lúa không cao.

 

Vụ đông xuân năm nay, tại các cánh đồng ở xã An Cư tình trạng xâm nhập mặn càng lấn sâu hơn. Nguyên nhân là do tuyến bao ngăn mặn từ Đồng Cò qua Gò Bùn sau mỗi đợt lũ lụt bị bào mòn thấp dần nên nước mặn tràn bờ bao. Hơn nữa, năm nay cống cầu Long Phú đang thi công dang dở, một số lượng đất đá ngăn dưới chân cầu, khi nước mặn tràn lên phía thượng lưu của đầm Ô Loan và xâm thực sâu vào đất sản xuất với tốc độ nhanh, nhưng khi nước rút thì gặp các vật cản của công trình đang thi công nên rút chậm.

 

Tương tự, nông dân làm ruộng ở cánh đồng Bầu Bèo, Đồng Năng thuộc xã An Hòa (Tuy An), năm nào cũng vật lộn với ruộng nhiễm mặn. Ông Trần Lượm ở thôn Tân An (An Hòa), cho biết: “Có năm lúa mới 10 đến 20 ngày tuổi, nước mặn tràn vào, làm lúa ngã rạp. Sau khi nước rút, nông dân đồng loạt đặt máy bơm, bơm nước ngọt từ các kênh vào để phóng phèn, đồng thời phun thuốc dưỡng lúa. Tuy nhiên, lúa không chịu nổi độ mặn cao nên cứ lụn dần, phải sạ lại”.

 

Trước thực trạng trên, Phòng NN-PTNT huyện Tuy An đã làm việc với UBND xã An Cư tìm giải pháp gieo sạ lúa đông xuân cho kịp thời vụ. Theo kế hoạch, sau khi kết thúc đợt triều cường này (dự kiến đầu tháng 1/2014) nước mặn trong ruộng rút bớt một phần, Phòng NN-PTNT huyện tiến hành đặt máy bơm hút hết nước mặn còn lại trong ruộng để nông dân sạ lúa. Ông Cao Văn Tiến, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết, với tình hình thời tiết như hiện nay, khả năng đến cuối tháng 1/2014, nông dân mới gieo sạ xong. Tuy nhiên còn phải đề phòng đợt triều cường cuối tháng Chạp. Về lâu dài, huyện sẽ chuyển diện tích vùng ngập mặn nặng của xã An Cư sang trồng lát đan chiếu. Khu vực ruộng xung quanh đầu tư nâng cấp các bờ bao đảm bảo việc ngăn mặn, ổn định vùng sản xuất nông nghiệp. Các vùng canh tác ở những địa phương khác sẽ xem xét chuyển đổi diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang trồng các loại cây khác phù hợp với điều kiện từng địa phương.

 

Thống kê của Sở NN-PTNT PhúYên, hiện có gần 600ha đất lúa bị nhiễm mặn, trong đó huyện Tuy An có diện tích lúa nhiễm mặn nhiều nhất, với 300ha. Năng suất lúa ở vùng này chỉ đạt 30 đến 50 tạ/ha; vùng bị ảnh hưởng nặng chỉ đạt 10 đến 20 tạ/ha, có nơi mất trắng. Chi phí sản xuất lúa ở vùng này tăng cao do triều cường ngập lúc đầu vụnên phải sạ lại 2 đến 3 lần. Từ năm 2012 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế triển khai khảo nghiệm 20 giống trong bộ giống lúa chịu mặn từ Viện lúa Quốc tế (RIRI) chuyển giao. Qua theo dõi, khảo sát và đánh giá của chuyên gia, 6 giống có khả năng chịu được mặn, phát triển tốt cho năng suất cao. Tuy nhiên phải tiếp tục khảo nghiệm 2 đến 3 vụ sản xuất nữa mới thanh lọc ra giống thích ứng chịu mặn đưa vào sản xuất.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek