Mặc dù được đầu tư hàng tỉ đồng, nhưng sau một thời gian đi vào khai thác, không ít công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do gặp khó khăn trong khâu quản lý, vận hành và kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch thường xuyên cho người dân.
Nhiều hộ dân ở huyện Sông Hinh vẫn phải sử dụng nước kênh mương để giặt giũ - Ảnh: P.NAM
NHIỀU CÔNG TRÌNH CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Toàn tỉnh có 96 công trình cấp nước tập trung; trong đó có 47 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 53 tỉ đồng. Trong số này có 43 công trình đang cấp nước sinh hoạt khá ổn định, 4 công trình còn lại ngừng hoạt động hoàn toàn, hoặc chưa được nâng cấp, sửa chữa. Hiện có 3 công trình đã và đang được các ngành chức năng, địa phương lập hồ sơ nâng cấp là công trình cấp nước xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân), công trình cấp nước thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên (Sơn Hòa), công trình cấp nước thôn Cần Lương, xã An Dân (Tuy An). Theo Trung tâm NSVSMTNT (Sở NN-PTNT), giai đoạn từ năm 2006 đến 2011, toàn tỉnh có 14 công trình được đầu tư nâng cấp, bổ sung bể lọc cát, nhưng vẫn chưa đảm bảo cấp nước theo yêu cầu và tiêu chuẩn cấp nước của Bộ Y tế. Hầu hết các công trình còn lại, mặc dù địa phương đã lên kế hoạch nâng cấp, lập xong hồ sơ thiết kế, nhưng chưa được bố trí vốn do nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMTNT hàng năm của Trung ương phân bổ quá ít so với nhu cầu thực tế. Từ năm 2009, Trung tâm NSVSMTNT đã lập xong hồ sơ nâng cấp 12 công trình cấp nước, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, hầu hết các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả do nguồn thu tiền sử dụng nước không đủ chi phí quản lý, vận hành, nhất là kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Trong khi đó, giá thu tiền sử dụng nước sinh hoạt mới được UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 10/2012, nên những năm trước đây, các đơn vị quản lý công trình không có khung giá nước để thực hiện, dẫn đến nguồn thu rất thấp, không đủ bù vào chi phí quản lý, duy trì hoạt động. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều công trình xuống cấp, cần phải được nâng cấp đồng bộ, đảm bảo cấp nước cho nhân dân, nhưng lại gặp khó khăn về kinh phí. Hiện nay chỉ có công trình cấp nước xã An Ninh Tây (Tuy An) và các công trình cấp nước xã Xuân Sơn Nam, công trình cấp nước thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 và công trình cấp nước mở rộng thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước (Đồng Xuân) là phát huy tốt hiệu quả do làm tốt việc thu tiền sử dụng nước trong dân.
CHẤT LƯỢNG NƯỚC CHƯA ĐẢM BẢO
Ông Lê Chí Trọng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, theo hướng dẫn của UNICEF - tổ chức hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Phú Yên thực hiện một số công trình nước sạch nông thôn giai đoạn từ năm 1999 đến 2005, dây chuyền công nghệ lọc nước của các hệ thống này khá đơn giản, chưa có hệ thống lọc xử lý khử trùng theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Vì vậy, các chủ đầu tư và tư vấn thiết kế không thiết kế thiết bị khử trùng nguồn nước, mà chủ yếu quan tâm đến việc công trình cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến giai đoạn từ năm 2006-2011, một số công trình mới áp dụng công nghệ lọc, khử trùng, nhưng do suất đầu tư lớn nên chỉ đầu tư một vài công trình mang tính điển hình. Hiện còn nhiều công trình cần phải tiếp tục đầu tư để mang lại hiệu quả. Mặt khác, việc khảo sát xác định nhu cầu sử dụng nước và khả năng đóng góp của người dân chưa chính xác nên một số công trình sau khi đưa vào vận hành, số hộ dân sử dụng thấp hơn so với khảo sát ban đầu. Trong khi đó, thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, mà giá nước lại cao nên nhiều hộ gia đình chỉ sử dụng từ 2 đến 3m3 nước sạch/tháng, hoặc dùng nước trong 3 tháng mùa khô, dẫn đến nhiều công trình nước khai thác kém hiệu quả.
Theo Sở NN-PTNT, một nguyên nhân khác là do trong khảo sát, đánh giá nguồn nước, các ngành chức năng chưa lường hết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dẫn đến nguồn nước mạch, giếng đào thường bị thiếu nước trong mùa khô hay bị nhiễm mặn, phèn…
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ MANG LẠI HIỆU QUẢ?
Từ thực tế trên, Sở NN-PTNT đưa ra đề xuất, cần quy hoạch, đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước quy mô nhỏ đã đầu tư ở các giai đoạn trước thành công trình cấp nước có quy mô liên xã, liên huyện, sử dụng nguồn nước từ các con sông lớn hoặc từ các hồ chứa nước để đáp ứng nguồn cấp, đảm bảo quản lý tốt công tác xử lý nước theo tiêu chuẩn, ổn định việc quản lý, vận hành công trình lâu dài, bền vững. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện và Sở NN-PTNT rà soát, tổng hợp tất cả các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hiện có, báo cáo UBND tỉnh giao việc quản lý, sử dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và UBND cấp xã phù hợp với các quy định của Bộ Tài chính; quy định mô hình cho đơn vị quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn chịu trách nhiệm trong lĩnh vực cấp, thoát nước nông thôn; có cơ chế về thu hút đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực cấp nước nông thôn theo hướng dẫn tại Quyết định số 131 ngày 2/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh xem xét, đề nghị điều chỉnh giá thu tiền sử dụng nước sinh hoạt nông thôn đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 75 ngày 15/5/2012 của liên bộ Tài Chính, Xây Dựng, NN-PTNT “Về hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn; hàng năm cân đối nguồn vốn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ giá nước các công trình vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, vùng đồng bào dân tộc và công tác duy tu bảo dưỡng, vận hành công trình”; cho phép duy trì phí đấu nối đối với công trình cấp nước tập trung nông thôn từ 3 đến 4m3/tháng để khuyến khích người dân nông thôn sử dụng nước sạch, duy trì nguồn thu cho các công trình hoạt động; cho chủ trương để Sở NN-PTNT điều chỉnh dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đã lập xong báo cáo kinh tế kỹ thuật, hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình.
PHƯƠNG NAM